📞

Chuyến đi tìm giải pháp

08:00 | 07/10/2017
Trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang còn nhiều tồn tại, đặc biệt về vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, thì chuyến đi của Ngoại trưởng Rex Tillerson được cho là một động thái nhằm hạ nhiệt tình hình.

Đây là chuyến thăm thứ hai của ông Tillerson tới Trung Quốc (TQ) chỉ trong vòng chín tháng. Ngày 30/9, người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ đã hội kiến Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, hội đàm với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị.

Hai bên tiến hành trao đổi về các nội dung quan trọng như việc chuẩn bị cho chuyến thăm TQ của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tháng 11 tới, củng cố quan hệ thương mại giữa Mỹ và TQ, đặc biệt là tìm kiếm sự hậu thuẫn của TQ cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Cú hích từ Nhà Trắng

Nhiệm vụ này đang trở thành ưu tiên chiến lược của cả Mỹ và TQ tại khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là khi Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân gần đây. Theo các nhà phân tích, quả bom H (bom nhiệt hạch) mà Triều Tiên thử hồi đầu tháng Chín mạnh gấp 17 lần quả bom  mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945. Hẳn là Bắc Kinh và cả Washington đều không muốn nhìn thấy viễn cảnh tăm tối này xảy ra tại Đông Bắc Á.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 30/9. (Nguồn: AP)

Vì thế, chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Tillerson được cho là “cú hích” để Bắc Kinh gây sức ép lên Bình Nhưỡng. TQ được xem là đối tác thương mại “sống còn” của Triều Tiên trong khu vực. Bởi vậy, Washington luôn cần một động thái nào đó từ Bắc Kinh để có thể tác động tới Bình Nhưỡng. 

Trước đó, TQ cũng đã tuyên bố sẽ tuân thủ nghiêm túc và toàn diện các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về vấn đề Triều Tiên. Ngày 28/9, Bắc Kinh đã yêu cầu tất cả các công ty Triều Tiên tại nước này phải đóng cửa trước tháng 1/2018 theo nghị quyết trừng phạt của LHQ. Những công ty liên doanh giữa TQ với các tổ chức, cá nhân Triều Tiên cũng bị buộc ngừng hoạt động.

Nhiều người đánh giá động thái này là bước đi khôn khéo của Bắc Kinh nhằm thể hiện thiện chí của TQ trước thềm chuyến thăm của ông Trump. Đây cũng là thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi tới Bình Nhưỡng, rằng đã đến lúc các bên cần phải cân nhắc phương án đàm phán, thay vì tiếp tục khẩu chiến trên truyền thông.

Về phần mình, trong chuyến thăm tới Bắc Kinh, Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết Mỹ có “ba kênh liên lạc trực tiếp tới Bình Nhưỡng” và bày tỏ thái độ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên một cách cởi mở. Trong khi đó, nhận định về thông điệp gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump rằng Washington “không nên đối tốt với Bình Nhưỡng”, Cố vấn Thông tin liên lạc của Ngoại trưởng Mỹ R. C. Hammond giải thích: Tổng thống Mỹ chỉ muốn gửi một thông điệp tới Bình Nhưỡng rằng nước Mỹ đã sẵn sàng và thiện chí cho giải pháp cùng nhau ngồi vào bàn đàm phán. Nhiệm vụ của Ngoại trưởng Tillerson là đưa được thông điệp này tới các bên liên quan.

Cần cách tiếp cận mới

Dù sao đi nữa, Nhà trắng cũng hiểu rằng, chỉ có giải pháp đàm phán là tối ưu hơn cả trong bối cảnh hiện tại và vì thế, các bên cần phải chấp nhận nhượng bộ để có thể giải quyết vấn đề Triều Tiên trước khi quá giới hạn. Washington đánh giá cao các hành động và thiện chí của Bắc Kinh trong việc hưởng ứng các lệnh trừng phạt của LQH đối với Bình Nhưỡng và vẫn mong muốn TQ siết chặt hơn nữa hoạt động thương mại với Bình Nhưỡng. Về phần mình, chính quyền của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tỏ ra hài lòng khi Ngoại trưởng Tillerson cho biết Mỹ sẽ xem xét đối thoại trực tiếp, dù Triều Tiên khó có thể gật đầu trước lời đề nghị này.

Tuy nhiên, dư luận quốc tế lại không quá lạc quan về chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói chung và việc đàm phán với Triều Tiên nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân nói riêng. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thượng Nghị sỹ John McCain tỏ ý nghi ngờ về các động thái thực sự của Bắc Kinh. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế của Quốc hội TQ  Fu Ying lại cho rằng phía Mỹ “chưa có các nỗ lực nghiêm túc để thực sự giải quyết vấn đề”. Với quan điểm tương tự, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Đại học Khoa học Xã hội tỉnh Hắc Long Giang, ông Da Zhigang, nhận định: “Trung Quốc muốn thấy Mỹ chủ động hơn trong tìm kiếm giải pháp cho vấn đề”.

Dẫu vậy, giới quan sát đều nhất trí rằng tìm kiếm biện pháp ngoại giao và đối thoại sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tháo gỡ hoặc ít nhất là hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, không để leo thang hơn nữa bởi có thể dẫn tới các hậu quả không định trước.  Tuy nhiên, tiến trình đối thoại giữa các bên ra sao, diễn biến như thế nào, thì có lẽ Mỹ, TQ và Triều Tiên cùng các quốc gia liên quan trong khu vực mới có câu trả lời.