Chuyển đổi số đang được xem là vấn đề sống còn trong quá trình phát triển kinh doanh, cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện nay. (Nguồn: Pinterest) |
Giới chuyên gia công nghệ đã có nhận định chung như vậy tại Hội nghị Vietnam CEO Summit 2019 với chủ đề "Chiến lược dẫn đầu trong chuyển đổi số và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" vừa diễn ra tại Hà Nội. Theo đó, doanh nghiệp Việt cần tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng số để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp IoT (Internet vạn vật).
Cuộc “chuyển mình” mạnh mẽ
Theo Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Trương Gia Bình, chuyển đổi số đang là xu hướng toàn cầu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. Thế giới đang chứng kiến một cuộc “chuyển mình” mạnh mẽ về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng với nhiều mô hình kinh doanh mới đã và đang được hình thành.
Năm 2013 thế giới có 7,1 tỷ người với 7 tỷ thiết bị nối mạng. Dự báo năm 2025, 8 tỷ người trên thế giới sẽ có hơn 75 tỷ thiết bị nối mạng, trong đó khoảng 7 tỷ người (chiếm hơn 85% dân số thế giới) luôn luôn online.
Cuộc cách mạng số đã, đang và sẽ tạo nên những chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội. Đặc biệt, đóng góp to lớn cho tăng trưởng kinh tế và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự phát triển của dịch vụ số giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi doanh nghiệp, vươn tới những thị trường rộng lớn hơn do số lượng người dùng trực tuyến luôn tăng trưởng đều đặn.
Theo số liệu khảo sát trên 2.000 doanh nghiệp toàn cầu của Công ty tư vấn McKinsey, chuyển đổi số đóng góp đáng kể vào tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Nếu có nỗ lực chuyển đổi toàn diện, một doanh nghiệp có thể tăng doanh số thêm 11,2% và lợi nhuận 7,3%.
Chuyển đổi số là quá trình cần thiết và là câu chuyện không của riêng doanh nghiệp nào hiện tại. Khi chuyển đổi số, các doanh nghiệp sẽ đạt được 5 lợi ích chính, bao gồm tỷ suất lợi nhuận tăng, năng suất lao động tăng, doanh thu tăng, giảm chi phí và tăng gắn kết với khách hàng.
Chuyển đổi số cũng mở ra cơ hội mới nhằm hội tụ nguồn nhân lực, tận dụng sự lan tỏa của kiến thức rộng lớn từ Internet, tận dụng thị trường mới, được cung cấp bởi nền tảng kỹ thuật số và khai thác khả năng sản xuất được kích hoạt. Từ đó, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia số nếu biết nắm bắt thời cơ để bứt phá.
Giải “bài toán” khó cho doanh nghiệp Việt
Tại Việt Nam, xu thế chuyển đổi số cũng đang lan tỏa mạnh mẽ bởi Việt Nam không thể “đứng ngoài cuộc”. Trong nhiều năm tới, IoT sẽ thúc đẩy quá trình này theo cấp số nhân trong tất cả các lĩnh vực. Trước sự đổi thay lớn này, các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số, để phát triển công nghệ và thúc đẩy sự sáng tạo.
Tuy nhiên, chuyển đổi số không hề dễ dàng, bởi việc hiểu thấu nền kinh tế kỹ thuật số và quá trình chuyển đổi là thách thức không nhỏ. Để chuyển đổi số toàn diện, từng ngành, từng lĩnh vực đều phải tái cấu trúc, thay đổi về chất mô hình tăng trưởng, dựa nhiều hơn vào sáng tạo và tăng năng suất.
Số liệu khảo sát của Công ty tư vấn McKinsey cho thấy, tỷ lệ thành công cho các nỗ lực này thấp, dưới 30%. Ngay cả với các ngành am hiểu kỹ thuật số như công nghệ cao, truyền thông, viễn thông cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Trong những ngành này, tỷ lệ thành công không vượt quá 26%. Còn trong các ngành truyền thống như dầu khí, ô tô, cơ sở hạ tầng, dược phẩm… cơ hội chuyển đổi số thành công chỉ từ 4 - 11%.
Khảo sát của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 cũng cho biết, 61% doanh nghiệp “đứng ngoài cuộc”, 21% mới có hoạt động chuẩn bị ban đầu và 16/17 ngành được khảo sát có mức độ sẵn sàng thấp trong quá trình chuyển đổi số.
Theo các chuyên gia, chuyển đối số là một “bài toán” khó cho doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại, doanh nghiệp Việt đang đối mặt với thách thức lớn từ sự thiếu hụt nguồn nhân lực, rào cản trong văn hóa doanh nghiệp, sự thiếu hụt dữ liệu và tầm nhìn của người lãnh đạo. Hơn nữa, hạ tầng số ở Việt Nam chưa được nhận thức ở mọi cấp, từ chất lượng đến việc chia sẻ, kết nối còn hạn chế; cùng với đó, hành lang pháp lý cũng là vấn đề còn hạn chế.
Nói về cách giải “bài toán” khó trên, Chuyên gia kinh tế Phạm Trí Hùng cho rằng, doanh nghiệp nên bắt tay vào chuyển đổi số theo 5 hướng chủ đạo, đó là: số hóa các sản phẩm và dịch vụ, số hóa tiếp thị và kênh phân phối, số hóa hệ sinh thái, số hóa quy trình sản xuất, số hóa chuỗi cung ứng.
Theo ông Phạm Trí Hùng, một chiến lược chuyển đổi số có thể được xây dựng khi doanh nghiệp xác định tầm nhìn, phân tích đánh giá các giá trị liên quan, nhìn nhận hiện trạng, hoạch định tương lai, vạch rõ lộ trình, triển khai thực hiện và giám sát quá trình chuyển đổi với yếu tố quan trọng nhất là con người.
Như vậy, để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, mỗi địa phương, mỗi Bộ, ngành, doanh nghiệp, tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một “điểm đột phá” nhằm tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể để tiến hành chuyển đổi số. Khi tìm được đúng đường hướng phát triển, với nền tảng vững chắc cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, các tổ chức, doanh nghiệp có thể bước vào quá trình chuyển đổi số một cách tự tin nhất.