Khu trục hạm tên lửa của Mỹ Donald Cook. (Nguồn: Sputnik) |
Mới đây, 4 khu trục hạm tên lửa gồm Porter, Donald Cook và Franklin Roosevelt (lớp Arleigh Burke) của Mỹ và tàu khu trục tên lửa Kent của Anh (type 23 lớp Duke), có tổng lượng giãn nước hơn 30.000 tấn, được trang bị hàng trăm tên lửa hành trình, đã tiến vào biển Barents, trong khu vực vùng biển "sân nhà" của Hạm đội phương Bắc Nga.
Lầu Năm Góc nhấn mạnh, họ đã thông báo trước cho Moscow về lộ trình của đội tàu. Lần đầu tiên kể từ giữa những năm 1980, tàu chiến Mỹ mới quay trở lại khu vực này.
Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky cho hay: "Không có gì bí mật ở đây nếu tôi nói rằng, chúng tôi đang tạo ra một tổ hợp hệ thống quan sát bầu trời, bề mặt biển và dưới nước ở vùng vĩ độ phía Bắc. Sự xâm nhập của nhóm tàu NATO vào biển Barents là một dịp thử thách tuyệt vời cho hệ thống này".
Nhận định về lần tái xuất này của Hải quân Mỹ ở biển Barents, ông Murakhovskhy cho rằng: "Trong những năm gần đây, Hải quân Mỹ tăng cường hoạt động chủ yếu ở khu vực biển Đen. Tàu khu trục tên lửa của họ đã đến đó nhiều lần. Sự xuất hiện lần này ở phía Bắc, Biển Barents, cho thấy sự thay đổi trong chiến lược tổng thể của Lầu Năm Góc".
"Washington một lần nữa nhắc lại sự cần thiết phải tập trung đối đầu với các cường quốc, như Nga, Trung Quốc và đang thay đổi phương hướng huấn luyện và tác chiến. Một trong những yếu tố thể hiện điều này là một nhóm tàu chiến tấn công tiến vào vùng biển Barents", chuyên gia này đánh giá.
Các chuyên gia và chính trị gia cùng cho rằng, hành trình của nhóm tàu hải quân Mỹ - Anh đến biển Barents, ngay trước ngày Nga kỷ niệm Chiến thắng 9/5, vừa là một thách thức chính trị, vừa là bước tiếp theo trong việc hiện diện quân sự của NATO ở Bắc Cực. Mỹ trước đây nhiều lần tuyên bố về kế hoạch làm cho khu vực trên trở thành "tự do hoạt động quốc tế".