📞

Chuyên gia: Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2022 phải thực tế hơn

Lan Nguyễn 18:36 | 26/12/2021
Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế của mình ở châu Á và hơn thế nữa, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tăng tốc vào năm tới để khởi động "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" nhằm tăng cường gắn kết với khu vực.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tăng tốc vào năm tới để khởi động "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" nhằm tăng cường gắn kết với khu vực. (Nguồn: Báo Công Thương)

Ý tưởng phát triển khuôn khổ kinh tế được Tổng thống Biden công bố lần đầu tiên trong các hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào mùa Thu năm nay và ý tưởng này có thể thành hình vào đầu năm sau sau các cuộc đàm phán với các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Khuôn khổ này hiện vẫn được định nghĩa một cách mơ hồ, đó là một thỏa thuận sẽ theo đuổi "các mục tiêu chung", bao gồm các mục tiêu xung quanh thuận lợi hóa thương mại, nền kinh tế và công nghệ số, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn lao động và các ưu tiên khác.

Ông Matthew Goodman, chuyên gia về chính sách kinh tế quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Washington, cho biết: “Chính quyền Tổng thống Biden phải biến khuôn khổ kinh tế này thành một cái gì đó thực tế, và điều đó có nghĩa là bổ sung thêm chi tiết".

Điều đã khiến chính quyền Tổng thống Biden tiến tới việc khởi động một sáng kiến có vẻ như còn đang dang dở này dường như bắt nguồn từ những nỗ lực rõ ràng của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình đối với chính sách thương mại ở khu vực đang phát triển nhanh chóng.

Vào tháng 9 vừa qua, Bắc Kinh đã nộp đơn xin gia nhập hiệp ước thương mại tự do Thái Bình Dương gồm 11 thành viên được ký kết dưới sự dẫn đầu của Nhật Bản với tên gọi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2017.

Trung Quốc, cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, 10 quốc gia thành viên ASEAN và các quốc gia khác, cũng đang chờ đợi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 sau nhiều năm đàm phán thương mại tự do.

Hiện tồn tại nhiều nghi ngờ về việc liệu Trung Quốc, thường bị cáo buộc có các hành vi bóp méo thị trường như áp dụng rộng rãi chính sách trợ cấp, có sớm được chấp nhận tham gia thỏa thuận tiêu chuẩn cao như CPTPP hay không, khi mà các thành viên chủ chốt như Nhật Bản và Australia bày tỏ thái độ thận trọng.

Nhưng các chuyên gia cho rằng không nên xem nhẹ động thái của Bắc Kinh, đặc biệt là khi chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục tách mình khỏi các khuôn khổ thương mại quan trọng trong khu vực bởi tự do hóa thương mại vẫn là một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị mà khó có thể giành được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.

Theo chuyên gia Goodman, nếu Mỹ không thể khiến các bên cảm nhận được sự hiện diện của mình và Trung Quốc liên tục thúc ép các quốc gia thành viên CPTPP cho phép nước này tham gia - có thể bằng cách đề xuất các tiêu chuẩn gia nhập thấp hơn hoặc ngụ ý đe dọa trả đũa nếu bị loại trừ - thì rốt cuộc các thành viên của thỏa thuận có thể phải tiến hành phiên điều trần nghiêm túc để xem xét đơn xin gia nhập của Bắc Kinh.

Trong khi đó, bà Mireya Solis, chuyên gia thương mại tại Viện nghiên cứu Brookings, nhận định, chính quyền Tổng thống Biden rõ ràng coi khuôn khổ mới là "dễ triển khai hơn" vì nó có khả năng không cần Quốc hội phê chuẩn.

Washington dường như mong muốn gắn kết các quốc gia cùng chí hướng bằng cách nêu bật các quy tắc và tiêu chuẩn mà nước này muốn thúc đẩy, căn cứ vào những lo ngại về chính sách trợ cấp của Trung Quốc, chủ nghĩa bảo hộ kỹ thuật số như thông qua kiểm duyệt các trang web và hạn chế luồng dữ liệu, và sự xói mòn một số giá trị dân chủ.

Chuyên gia Solis cho rằng: "Nhưng tôi nghĩ đó là một nỗ lực nửa chừng nếu bạn không sẵn sàng để nói về một hiệp định thương mại thực sự với các cam kết có thể hành động, ràng buộc đối với hội nhập kinh tế".

Chuyên gia Goodman nói thêm, một khuôn khổ có ý nghĩa sẽ không chỉ tập hợp các đồng minh và các nền kinh tế tiên tiến vốn đã có quan hệ chặt chẽ với Mỹ, mà còn cả các nền kinh tế kém phát triển hơn nhưng quan trọng về mặt chiến lược như Việt Nam, vốn có chung lo ngại về sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Ví dụ, trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP, Washington đã đề nghị tiếp cận thị trường với Việt Nam, điều này phản ánh mong muốn của quốc gia Đông Nam Á này trong việc bán nhiều mặt hàng may mặc cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Goodman bày tỏ hy vọng "những ràng buộc chính trị" đối với thương mại sẽ giảm bớt đối với chính quyền Tổng thống Biden, ít nhất là sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2022, từ đó Washington sẽ có lập trường chủ động hơn về vấn đề này.

Trong một sự kiện hồi tháng 11 vừa qua, điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Nhà Trắng Kurt Campbell đã chỉ ra thách thức cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc trong khu vực mà không có một chiến lược thương mại rõ ràng.

(theo Kyodo)