📞

Chuyên gia 'đau đầu' suy luận, vũ khí hạt nhân có phải 'cây đũa thần' trong tính toán của Tổng thống Putin?

Vy Anh 18:00 | 07/10/2022
Những động thái, tuyên bố mới nhất của Tổng thống Nga Putin đang khiến các nhà phân tích chiến lược quốc tế vô cùng trăn trở về một khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Họ đã lập luận và đưa ra các giả định như thế nào?
Các nhà phân tích đang thận trọng cho rằng nguy cơ Tổng thống Nga Putin sử dụng kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới dường như vẫn còn thấp. (Nguồn: Chatham House)

Hy vọng "nguyên tắc cấm kỵ" trở thành "ranh giới đỏ"

Hiện nay các nhà phân tích đang thận trọng cho rằng, nguy cơ Tổng thống Nga Putin sử dụng kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới dường như vẫn còn thấp. Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho biết họ chưa nhận thấy dấu hiệu về một cuộc tấn công hạt nhân sắp xảy ra của Nga.

Tuy nhiên, lời tuyên bố của Tổng thống Putin là sẽ sử dụng "tất cả các phương tiện trong khả năng của chúng tôi" để bảo vệ nước Nga đang được thận trọng xem xét.

Nhà Trắng đã cảnh báo về "hậu quả thảm khốc đối với Nga nếu Tổng thống Putin sử dụng hạt nhân”.

Giám đốc CIA William Burns chia sẻ với CBS News rằng: “Chúng tôi hiện không thấy bất kỳ bằng chứng thực tế nào trong cộng đồng tình báo Mỹ cho thấy ông Putin đang tiến gần hơn đến việc sẽ thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân, rằng có một mối đe dọa sắp xảy ra về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Những gì chúng tôi phải làm là nghiêm túc theo dõi các dấu hiệu chuẩn bị thực sự từ phía Nga”.

Andrey Baklitskiy, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ vũ khí của Liên hợp quốc nhận xét: “Vũ khí hạt nhân không phải là cây đũa thần. Chúng không phải là thứ mà bạn chỉ cần sử dụng là có thể giải quyết mọi vấn đề”.

Các nhà phân tích hy vọng những nguyên tắc cấm kỵ về vũ khí hạt nhân là một yếu tố kiềm chế nguy cơ hạt nhân. Nỗi thống khổ con người phải chịu đựng ở Hiroshima và Nagasaki sau khi Mỹ phá hủy các thành phố của Nhật Bản bằng bom nguyên tử vào ngày 6/8 và ngày 9/8/1945 là một lập luận mạnh mẽ phản đối việc tái sử dụng những loại vũ khí như vậy. Kể từ đó, không có quốc gia nào sử dụng vũ khí hạt nhân.

Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại RAND Corp và từng là nhà phân tích về năng lực quân sự của Nga tại Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định nếu sử dụng vũ khí hạt nhân, Nga có thể sẽ bị cô lập.

Cùng chung nhận định, Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu chuyên về quốc phòng và an ninh thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh ở London, phân tích: “Việc phá vỡ điều cấm kỵ về hạt nhân, ở mức tối thiểu, sẽ áp đặt một sự cô lập về ngoại giao và kinh tế đối với Nga”.

Có thể chỉ để răn đe và câu giờ?

Theo các nhà phân tích, vũ khí hạt nhân tầm xa mà Nga có thể sử dụng trong cuộc xung đột trực tiếp đã sẵn sàng chiến đấu, nhưng kho dự trữ đầu đạn có tầm bắn ngắn hơn (cái được gọi là vũ khí chiến thuật mà Nga có thể muốn sử dụng ở Ukraine) thì không.

Pavel Podvig, nhà nghiên cứu cấp cao khác chuyên nghiên cứu về vũ khí hạt nhân tại cơ quan nghiên cứu về giải trừ vũ khí của Liên hợp quốc ở Geneva, cho rằng “tất cả những vũ khí đó đang được cất giữ trong kho”. Ông nói: “Bạn cần phải đưa chúng ra khỏi boong-ke, chất chúng lên xe tải, và sau đó kết hợp chúng với tên lửa hoặc các hệ thống phóng khác”.

Nga chưa công bố toàn bộ kho vũ khí hạt nhân chiến thuật và các năng lực của chúng. Mosocw có thể ra lệnh bí mật chuẩn bị một lượng vũ khí nhỏ hơn và sẵn sàng tung ra sử dụng một cách bất ngờ.

Nhưng việc công khai đưa vũ khí ra khỏi kho cũng là một chiến thuật mà Nga có thể sử dụng để gây áp lực mà không cần thực sự sử dụng chúng. Ông Pavel Podvig dự đoán, các vệ tinh của Mỹ sẽ phát hiện ra hành động này. Các nhà phân tích cũng dự đoán sẽ có những leo thang khác trước tiên, bao gồm các cuộc tấn công gia tăng của Nga ở Ukraine bằng cách sử dụng vũ khí phi hạt nhân.

Nikolai Sokov, người đã tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí khi còn làm việc cho Bộ Ngoại giao Nga và hiện đang làm việc cho Trung tâm Giải trừ Vũ khí và Không phổ biến vũ khí tại Vienna, nhận định: “Tôi không nghĩ sẽ có một sự bất ngờ nào khác”.

Giới chuyên gia phân tích cũng đang đau đầu trong việc xác định các mục tiêu chiến trường mà Putin nhắm đến trong trường hợp phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Nếu một cuộc tấn công hạt nhân không ngăn cản được những bước tiến của Ukraine, Nga sẽ làm như thế nào?

Chuyên gia Pavel Podvig nhận định rằng, rất có thể Tổng thống Putin hy vọng rằng những lời răn đe sẽ làm chậm nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine và giúp "câu giờ" để huấn luyện thêm 300.000 quân dự bị mà ông đã ra lệnh động viên.

Nhưng nếu Ukraine tiếp tục có lợi thế trên thực địa và Nga thấy rằng không thể duy trì những gì đã có được, các nhà phân tích lo ngại nguy cơ ngày càng tăng của việc Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân.

(theo AP)