📞

Chuyên gia Đỗ Cao Bảo: Chống dịch là cách tốt nhất để ‘giữ chân’ FDI, thu hút dự án mới

Linh Chi 08:00 | 01/10/2021
FDI là đầu tư lâu dài, dựa trên những nền tảng có tính bền vững, có tầm nhìn dài hạn và trung hạn, do đó, không thể có chuyện chỉ mới gặp khó khăn vì dịch bệnh một vài tháng đã quyết định chuyển dòng vốn đi sang nước khác.

Đó là nhận định của chuyên gia truyền thông Đỗ Cao Bảo (đồng sáng lập, Ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT) trước những ý kiến lo ngại về vấn đề các doanh nghiệp FDI sẽ rời Việt Nam, chuyển sản xuất sang các quốc gia khác khi chứng kiến đại dịch kéo dài.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đón nhận nhiều dự án FDI vốn đầu tư lớn. (Nguồn: VGP)

Doanh nghiệp FDI đang “suy nghĩ lại”?

Năm 2020, việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 đã khiến Việt Nam trở thành ngôi sao sáng, “ghi điểm” đối với thế giới. Ở thời điểm đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu giảm ở mức hai chữ số, dòng vốn này tại Việt Nam vẫn duy trì phong độ.

Thậm chí, năm 2020, Việt Nam lần đầu lọt vào danh sách 20 nền kinh tế nhận vốn FDI lớn nhất, với 16 tỷ USD đổ vào, dù đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, bước sang năm 2021, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ, với biến thể Delta lây lan nhanh đang khiến tình thế thay đổi. Đại dịch buộc chính quyền phải ban hành các biện pháp phong toả kéo dài tại “đầu tàu” kinh tế TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam - nơi chiếm 30% GDP của Việt Nam. Một số doanh nghiệp FDI cho biết, họ "đang suy nghĩ lại", “cân nhắc lại”, “xem xét lại”.

Gần đây, hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã phản ánh về vấn đề này. Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) và Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (US-ABC) tiết lộ, trong thời gian giãn cách xã hội, đã có nhiều đơn hàng FDI vuột khỏi tầm tay Việt Nam và đến với các quốc gia khác.

Theo khảo sát giữa tháng 8/2021 củaAmCham, 20% doanh nghiệp đã chuyển một phần đơn hàng ra khỏi Việt Nam, 14% doanh nghiệp đang ở bước dự định, 13% doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và 50% doanh nghiệp đang hoạt động dưới 50% công suất.

"Nếu nhìn vào cả chặng đường dài 21 tháng từ đầu dịch đến nay thì Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng ít nhất. Các nhà đầu tư đã được hưởng lợi trong thời gian 18 tháng Việt Nam chống dịch tốt. Do đó, doanh nghiệp FDI không nên chỉ nhìn vào 3 tháng khó khăn mà quên đi 18 tháng thuận lợi" - Chuyên gia truyền thông Đỗ Cao Bảo.

Các nhà bán lẻ xuất khẩu hàng may mặc, giày dép chính là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Các nhà máy tại Việt Nam ngừng hoạt động là một sự cố lớn khiến guồng máy sản xuất giảm hoặc ngừng hoạt động, vào mùa bận rộn nhất trong năm.

EuroCham cũng cho biết, hiện tại, ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần 4 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Trên thế giới, một số quốc gia đã mở cửa trở lại, nhu cầu ở châu Âu tăng mạnh, nhưng do không thể sản xuất được nên 18% đơn hàng của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã được chuyển đi và 16% đơn hàng khác đang cân nhắc chuyển sang nước khác.

Khó khăn dịch bệnh chỉ là tạm thời

Tuy nhiên, những con số được công bố gần đây cho thấy, giữa bối cảnh đại dịch diễn biến khó lường, vốn FDI vẫn tiếp tục “chảy” vào Việt Nam. Điều này đã phần nào cho thấy, sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của Việt Nam và những khó khăn dịch bệnh trước mắt chỉ là tạm thời.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. 9 tháng năm 2021 số dự án đầu tư nước ngoài cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giảm 37,8% với 1.212 dự án mới được cấp.

Đáng ghi nhận là vốn đăng ký của các dự án này đạt gần 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy quy mô của dự án FDI tăng lên.

Một điểm đáng khích lệ khác đó là dù vốn đăng ký mới giảm nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm lại đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng tới 25,6% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đã hiện diện ở Việt Nam tiếp tục đặt niềm tin và tiếp tục lên kế hoạch sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón nhận nhiều dự án với vốn đầu tư lớn. Điển hình như: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD. Tiếp đến là Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD hay Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina có tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD.

Song song với đó, một số nhà đầu tư FDI lớn thì tiếp tục điều chỉnh tăng vốn, rót thêm tiền vào Việt Nam. Đơn cử như: Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD; Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan, Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD...

Ngoài ra, các nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới vẫn đang hiện diện tại Việt Nam. Samsung, Foxconn, Luxshare đặt các nhà máy lớn ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang. Hiện tại, các nhà máy của Samsung, Foxconn, Luxshare vẫn đang sản xuất bình thường và tuyển dụng mới hàng nghìn lao động.

Chuyên gia truyền thông Đỗ Cao Bảo.

Chống dịch tốt để “giữ chân” FDI

Chia sẻ với TG&VN về vấn đề doanh nghiệp FDI rút khỏi Việt Nam, chuyên gia truyền thông Đỗ Cao Bảo nhận định: “Tôi cảm thấy lo ngại một chút nhưng không lo ngại nhiều bằng việc chúng ta chống dịch, khống chế được dịch, ‘phủ sóng’ vaccine diện rộng như thế nào? Hay nới lỏng dần giãn cách, từng bước khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa có nhanh không?

Thực tế ở Việt Nam trong gần 2 năm qua đã chứng minh rằng, chống dịch tốt là cách tốt nhất để duy trì sản xuất, để ‘giữ chân’ các nhà đầu tư FDI cũng như thu hút thêm các dự án đầu tư mới”.

Hiện nay, độ phủ vaccine Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh thành phố khác đã đạt tỷ lệ khá cao. Đó là cơ sở để Việt Nam nới lỏng dần giãn cách, từng bước khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Khi ấy, các nhà đầu tư sẽ an tâm, tiếp tục duy trì sản xuất tại Việt Nam.

Theo chuyên gia Đỗ Cao Bảo, FDI là đầu tư lâu dài; dựa trên những nền tảng có tính bền vững; có tầm nhìn dài hạn và trung hạn; phải mất nhiều năm chuẩn bị thủ tục và thêm 1-2 năm để triển khai. Do đó, không thể có chuyện chỉ mới gặp khó khăn vì dịch bệnh một vài tháng đã quyết định chuyển dòng vốn đi sang nước khác.

Trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện giãn cách, phong tỏa ở một vài tỉnh, thành phố, vấn đề chuyển một vài đơn hàng từ Việt Nam sang sản xuất ở các nước khác là hợp lý. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp FDI duy trì sản xuất và cung ứng sản phẩm cho các đối tác.

Ông Đỗ Cao Bảo khẳng định: “Đại dịch Covid-19 đã diễn ra từ đầu năm 2020. Trong 21 tháng qua, cả thế giới chao đảo thì không một nền kinh tế nào không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy ở một mức độ nào.

Nếu nhìn vào cả chặng đường dài 21 tháng từ đầu dịch đến nay thì Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng ít nhất. Các nhà đầu tư đã được hưởng lợi trong thời gian 18 tháng Việt Nam chống dịch tốt. Do đó, doanh nghiệp FDI không nên chỉ nhìn vào 3 tháng khó khăn mà quên đi 18 tháng thuận lợi.

Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam cần lắng nghe, trao đổi thường xuyên với các doanh nghiệp FDI về chiến lược, phương cách vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cần khẳng định rằng, lợi ích và mục tiêu của doanh nghiệp FDI và Việt Nam là giống nhau, cả hai phải cùng đứng về một phía”.