Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành. |
Đánh giá của ông về tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đến Việt Nam?
Theo tôi, hiệp định EVFTA mang đến 4 tác động cơ bản với Việt Nam.
Thứ nhất, EVFTA sẽ mang đến cho Việt Nam những cơ hội mới cho xuất khẩu, thương mại, kinh doanh. EVFTA sẽ mở cửa thị trường, là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Thứ hai, cùng với nhiều FTA khác, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các công ty mới. Bên cạnh sự song hành của EVIPA, EVFTA càng mang tính khuyến khích đầu tư vào Việt Nam. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong hiệp định EVIPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch. Từ đó, đưa Việt Nam thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn cho các công ty châu Âu ở Đông Nam Á.
Thứ ba, về dài hạn, cũng giống như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực về mọi mặt. Tuy nhiên, EVFTA lại làm giảm rào cản thương mại, thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trên tất cả các ngành nghề và lĩnh vực. Hiệp định cũng sẽ giúp hiện đại hóa khung pháp lý của Việt Nam, củng cố môi trường thương mại và đầu tư, nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU với 500 triệu người tiêu dùng.
Thứ tư, lộ trình giảm thuế và cam kết cắt giảm thuế trong EVFTA cũng sẽ mang đến cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Các quy định về thuế trong EVFTA chính là động lực cho Việt Nam hưởng lợi không chỉ trong xuất khẩu, mà còn mở ra cơ hội cho Việt Nam nhập khẩu, tiếp cận với những loại máy móc, công nghệ hiện đại, tiên tiến của EU.
Theo ông, Chính phủ cần làm gì để tận dụng được tối đa các cơ hội mà EVFTA mang đến?
Việt Nam đang có những bước chuyển tích cực về cải cách, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. EVFTA là hiệp định có cam kết rất cao, vì vậy, chính phủ cùng các hiệp hội phải đảm bảo hỗ trợ được cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu về pháp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro và bảo vệ quyền lợi của mình khi làm ăn với thị trường EU. Cùng với các FTA khác, EVFTA giống như một chất xúc tác để nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Với mức độ hội nhập sâu rộng như hiện nay, có hai vấn đề đầu tiên đối với Chính phủ khi muốn tận dụng triệt để các cơ hội mà EVFTA mang đến.
Một là phải làm sao để có thể kết hợp hài hòa tất cả các tuyến hội nhập EVFTA với chiến lược phát triển mới của Việt Nam.
Hai là vai trò kết nối qua những nỗ lực của chính phủ về đào tạo nâng cao năng lực trong truyền bá thông tin để doanh nghiệp có thể kết nối tốt nhất với các đối tác. Qua đó, không chỉ phát triển thương mại, thu hút đầu tư, kinh doanh mà còn ‘‘bắt tay’’ với các đối tác tốt, từ đó vươn lên học hỏi.
Còn với doanh nghiệp thì sao, thưa ông?
Với doanh nghiệp, EVFTA mở ra nhiều cơ hội nhưng để tận dụng những cơ hội đấy, điều đầu tiên phải lưu ý là chi phí tuân thủ rất cao. Các doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, lao động, sở hữu trí tuệ hay kết nối với các kênh phân phối… Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp cần chủ động, nắm tốt các thông tin, không chỉ là EVFTA mà còn thông tin về mở cửa thị trường hay các FTA khác.
Tiếp theo, doanh nghiệp cần đáp ứng được các chi phí, các đòi hỏi từ thị trường EU. Đây là một bài toán rất lớn đối với doanh nghiệp Việt khi muốn ‘‘xâm nhập’’ vào thị trường này. Ngoài việc chủ động như trên, doanh nghiệp cần phải tự mình thay đổi chính mình để tương thích với những đòi hỏi của EVFTA cũng như các FTA khác.
Tiếp đó, doanh nghiệp cần học hỏi về mặt phát lý để giảm thiểu tối đa chi phí tuân thủ, bởi có tuân thủ đúng mới có thể tận dụng tối đa cơ hội. Không chỉ thế, doanh nghiệp Việt Nam phải biết tự bảo vệ mình. Nên nhớ rằng, với EU cũng như nhiều đối tác khác, bên cạnh các cam kết có tính pháp lý và ràng buộc của EVFTA, EVIPA, Việt Nam còn là đối tác chiến lược của EU, cũng như của nhiều nước quan trọng trong EU. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tận dụng quan hệ đối tác, quan hệ hợp tác để phát triển.
Cuối cùng, doanh nghiệp phải học hỏi thêm về cơ hội kết nối. Đây không chỉ là cơ hội làm ăn mà còn là cơ hội kết nối với các nhà đầu tư tốt - những người không chỉ có tiền bạc mà còn có cả công nghệ, kỹ năng… Để có thể học hỏi tốt, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ ba điều: chân thành, biết chia sẻ và tạo lòng tin. Cách ‘‘chơi’’ phải bài bản, chuyên nghiệp sẽ tạo được lòng tin. Nếu làm được điều này, không chỉ trong EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam còn có thể có cơ hội tiếp cận với nhiều FTA khác.
Có thể coi đây là bước khởi đầu tốt đẹp cho những bước tiến lớn sau này, ông kỳ vọng thế nào?
Việc ký kết hiệp định EVFTA ngày 30/6 vừa qua là một bước chuyển biến lớn, có ý nghĩa trên con đường đi đến phê chuẩn, thực thi. Gắn với đó là sự nỗ lực cải cách của Việt Nam, sự chuẩn bị nghiêm túc, bài bản của doanh nghiệp.
Có rất nhiều đánh giá tích cực về hiệp định này, tuy nhiên, sự tích cực đó chỉ thực sự trở thành hiện thực nếu Việt Nam nhìn nhận nó như một chất xúc tác để cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế. Sự tích cực cũng chỉ thành hiện thực nếu doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận nó đúng là cơ hội lớn và nỗ lực chuẩn bị một cách kỹ càng và nghiêm túc.
Xin cảm ơn ông!