Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, hoạt động quảng bá du lịch phải linh hoạt hơn. (Nguồn: NVCC) |
Theo Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam), dữ liệu từ Google chỉ ra rằng, lượng tìm kiếm từ nước ngoài về du lịch Việt Nam đang trên đà tăng cao qua từng tháng. Ông đánh giá thế nào về tình hình phục hồi khả quan của du lịch Việt Nam ở thời điểm hiện tại và trong thời gian tới?
Việt Nam lâu nay vẫn là một điểm đến hấp dẫn của du lịch quốc tế. Sự quan tâm, tìm kiếm là điều dễ hiểu. Từ lúc chúng ta thực sự mở cửa cho du lịch quốc tế cũng đã 4 tháng rồi, đó là khoảng thời gian cần thiết để người ta bắt đầu sắp xếp cho hành trình tiếp theo.
Chúng ta cũng tính toán rằng, sau khoảng 6 đến 12 tháng thì các công ty cung cấp dịch vụ lữ hành quốc tế bắt đầu đưa Việt Nam trở lại chương trình du lịch. Chúng tôi vẫn theo dõi thường xuyên mức độ xuất hiện của du khách nước ngoài tại các địa điểm du lịch quan trọng và thấy có những tín hiệu khả quan.
Mặc dù sự xuất hiện trở lại của du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách phương Tây chưa nhiều (thị trường Trung Quốc vẫn đóng băng), nhưng có một xu hướng gia tăng thấy rõ.
Tôi có một niềm tin rằng, 2023 sẽ chứng kiến sự trở lại của du lịch quốc tế sau một loạt những nỗ lực kích cầu trong nửa sau 2022.
Dưới góc nhìn của ông, sự đổi mới về tư duy truyền thông trong việc quảng bá du lịch và hình ảnh quốc gia thế nào?
Du lịch Việt Nam đang được quảng bá trên nhiều phương diện. Không chỉ ngành du lịch đang làm quảng bá, mà văn hoá, ngoại giao cũng đang thực hiện các kế hoạch riêng. Một sự kiện tập trung khá mạnh là Tuần lễ trọng điểm Festival Huế tháng 6 vừa qua.
Ban Tổ chức đã rất nỗ lực kết nối với cơ quan ngoại giao nhiều quốc gia để đưa các đoàn nghệ thuật của họ, cũng như du khách quay lại Việt Nam. Sắp tới, Triển lãm du lịch quốc tế ITE vào tháng 9 ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung nhiều vào du lịch inbound, tác động trực tiếp vào người mua quốc tế. Bản thân công ty tôi cũng sẽ có một sự kiện thể thao mở đầu cho chiến lược dùng sự kiện thể thao để quảng bá du lịch.
"Chúng ta không nên quảng bá du lịch qua hình ảnh đất nước, con người chung chung nữa. Phải tập trung vào giá trị nổi bật trong một chiến lược branding lâu dài, đồng thời lựa chọn những đặc trưng riêng biệt cho từng chiến dịch ngắn hạn, đánh vào từng phân khúc khách hàng tiềm năng". |
Tuy nhiên, thực lòng mà nói, tôi chưa thấy có những chiến dịch bài bản quảng bá cho điểm đến quốc gia, cũng như điểm đến ở từng địa phương. Các doanh nghiệp lữ hành, các doanh nghiệp khách sạn, nghỉ dưỡng… vừa trải qua cơn tàn phá khốc liệt của đại dịch Covid-19, vẫn chưa thể ngay lập tức phục hồi, chưa đủ lực để tự triển khai những chiến dịch quảng bá du lịch quốc tế.
Hiện tại, họ ý thức rất rõ, trong giai đoạn trước mắt, du lịch nội địa vẫn là trọng tâm, nên hầu như các chiến dịch quảng cáo, truyền thông nổi bật đều hướng vào thị trường trong nước.
Điển hình là chiến dịch “Take me to the sun” của SunGroup, chiến dịch “Ở là kết - Hè là game” của SOJO, hay chiến dịch “Meta Summer” của VinPearl.
Du khách tại biển Quảng Nam. (Ảnh: Đặng Hường) |
Chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia cũng như du lịch của Việt Nam nên được đầu tư thế nào để có thể mang lại lợi ích thiết thực và hiệu quả nhất?
Chúng ta không nên quảng bá du lịch qua hình ảnh đất nước, con người chung chung nữa. Phải tập trung vào giá trị nổi bật trong một chiến lược branding lâu dài, đồng thời lựa chọn những đặc trưng riêng biệt cho từng chiến dịch ngắn hạn, đánh vào từng phân khúc khách hàng tiềm năng.
Đặc biệt, sau giai đoạn gần như kiệt quệ vì Covid-19, khách du lịch sẽ rất chọn lựa điểm đến tiếp theo của mình. Nó phải rất khác biệt, mới lạ, hấp dẫn so với các lựa chọn khác.
Chiến dịch truyền thông phải có trọng tâm, với một thông điệp đơn giản, quảng bá cho một giá trị đơn nhất và khác biệt, để tạo hiệu ứng thu hút lớn đã. Ví dụ như một loại nghệ thuật ẩm thực, một hoàng hôn an bình trên bờ biển, hay một lễ hội văn hoá độc đáo… Khi đã bị thu hút bởi ấn tượng mạnh, du khách sẽ tìm hiểu và thấy nhiều hơn các giá trị nổi bật khác.
Theo ông, sản phẩm du lịch của Việt Nam cũng cần thay đổi ra sao để bắt kịp được với xu hướng thị trường cũng như nhu cầu của du khách?
Sản phẩm du lịch mới phải được thiết kế để phục vụ cho mục tiêu chiến lược của chiến dịch truyền thông. Chẳng hạn, nếu chúng ta lựa chọn ẩm thực - food tour - như là trọng tâm của chiến dịch truyền thông 2023, thì sản phẩm mới sẽ tập trung vào đó, thiết kế các tour trải nghiệm ẩm thực, các cơ hội trải nghiệm ẩm thực độc đáo, những sự kiện ẩm thực xuất sắc.
"ASEAN vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh trong ngành du lịch. Hợp tác, liên kết với các nước ASEAN để tạo ra những giải pháp, dịch vụ du lịch mang tính khu vực là một cách để thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam. Chúng ta thấy lượng du khách đến Siam Reap, Campuchia tăng khá cao, nếu ta thuyết phục được một phần du khách đó kéo dài kỳ nghỉ sang Đồng bằng sông Cửu Long, đó là một giải pháp khả thi". |
Theo quan điểm marketing hiện đại, người ta tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu, mong muốn và cả giải quyết nỗi đau của khách hàng, thay vì thuyết phục khách hàng mua các sản phẩm mình có.
Ở các vùng du lịch, mỗi nơi sẽ có một thế mạnh riêng. Tìm hiểu xem thế mạnh đó giải quyết vấn đề của ai, ở đâu, như thế nào và thiết kế những sản phẩm du lịch cụ thể, phục vụ cho mục đích đó.
Tất nhiên, các sản phẩm mới đó phải là một phần trong hệ sinh thái du lịch hiện hữu, là những điểm cộng thêm, làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch đã là thế mạnh.
Du lịch Việt Nam trong tương quan với các nước ASEAN thì thế nào, theo ông? Năng lực đối phó với những áp lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á ra sao?
ASEAN vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh trong ngành du lịch. Hợp tác, liên kết với các nước ASEAN để tạo ra những giải pháp, dịch vụ du lịch mang tính khu vực là một cách để thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam. Chúng ta thấy lượng du khách đến Siam Reap, Campuchia tăng khá cao, nếu đồng thời kéo được một phần du khách sang Đồng bằng sông Cửu Long trong một cơ hội kéo dài kỳ nghỉ là một giải pháp khả thi.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, bằng việc tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn. Hoạt động quảng bá du lịch phải linh hoạt hơn, phi tập trung, hướng vào từng phân khúc nhỏ, thay vì tiếp cận chung chung, đại trà như lâu nay chúng ta vẫn làm.
Các nước ASEAN phần lớn có một hệ thống xúc tiến du lịch bài bản, hiện đại và liên tục đổi mới, đặc biệt là Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và cả Campuchia.
Họ linh hoạt, đưa ra quyết định nhanh chóng và có năng lực triển khai trực tiếp đến các thị trường mục tiêu. Chúng ta không phải không biết thế mạnh của họ và điểm yếu của ta, nhưng chúng ta đổi mới chậm quá.
Xin cảm ơn ông!