Ý kiến của ông Daniel DePetris - chuyên gia tại Defense Priorities, dường như nhằm bảo vệ ông chủ Nhà Trắng khỏi chỉ trích tiềm tàng mà ông có thể đối mặt nếu hội nghị thượng đỉnh vào các ngày 27-28/2 tại Hà Nội của Việt Nam không tạo ra những kết quả cụ thể về phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, nó cũng làm dấy lên quan ngại rằng, Washington cũng có thể hạ thấp tầm nhìn và miễn cưỡng chấp nhận những kết quả chưa có phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: Reuters) |
Trong bài viết được đăng tải trên trang điện tử của Fox News, chuyên gia này nêu rõ: "Chúng ta cần một thước đo hoàn toàn khác cho sự thành công. Cuối cùng, mục tiêu chính sách tối cao của Mỹ về Triều Tiên không phải là phi hạt nhân hóa mà là hòa bình, an ninh và sự dự đoán trước trên Bán đảo Triều Tiên".
Ông DePetris cũng cho rằng, hội nghị thượng đỉnh tuần tới có thể thành công "chỉ khi Tổng thống giảm sự tập trung vào giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng và tập trung hơn vào việc tạo ra một cơ chế an ninh và hòa bình có thể dự đoán trước và thân ái hơn trên Bán đảo Triều Tiên.
Quả thực, nếu Tổng thống Trump rời Hội nghị Thượng đỉnh với một cam kết chung từ ông Kim để lật sang trang mới sau quan hệ thù địch gần 70 năm giữa Washington và Bình Nhưỡng, Tổng thống sẽ hoàn thành việc gì đó mà những người tiền nhiệm của ông không làm được".
Theo chuyên gia này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể nhất trí với những bước phi hạt nhân hóa "một vài phần, có thể đảo ngược" song Nhà Trắng không nên hy vọng nhiều hơn trong môi trường an ninh hiện tại.