Vụ sát hại Soleimani có thể hạ thấp những hy vọng mong manh về việc đạt được một giải pháp ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên. (Nguồn: Getty) |
Theo giới chuyên gia, leo thang căng thẳng giữa Washington và Tehran sẽ hạ thấp những hy vọng vốn mong manh về việc đạt được một giải pháp ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên và khiến Bình Nhưỡng quyết tâm sở hữu những vũ khí mà họ cho là, có lẽ chính xác, sự đảm bảo chắc chắn nhất để tồn tại.
Mặc dù vụ sát hại Tướng Qasem Soleimani có thể khiến Bình Nhưỡng tạm ngừng khiêu khích chính quyền Tổng thống Donald Trump theo cách đó, song Bình Nhưỡng cuối cùng có thể sử dụng cuộc không kích trên nhằm tiếp tục hợp pháp hóa lập trường của mình rằng, Triều Tiên cần củng cố kho vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe đối với sự gây hấn của Washington.
Một số chuyên gia cho rằng, quyết định không trả đũa của Washington đối với Iran sau khi Tehran bắn hạ một máy bay do thám không người lái của Mỹ hồi tháng 6/2019 có thể khiến Bình Nhưỡng trở nên mạo hiểm, bởi Triều Tiên có thể kết luận rằng nước này không nên sợ hành động quân sự của Mỹ miễn là tránh trực tiếp đe dọa đến tính mạng của các công dân Mỹ hoặc những tài sản chủ chốt khác.
Chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên Cha Du-hyeogn tại Đại học Kyung Hee Seoul, đồng thời là cựu Thư ký tình báo của cựu Tổng thống Lee Myung-bak cho rằng, vụ Mỹ sát hại Tướng Soleimani sẽ khiến Triều Tiên do dự hơn trong việc vượt quá “ranh giới đỏ” ngầm định với chính quyền của ông Trump thông qua việc tái khởi động những cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Ông Cha Du-hyeogn nhận định: “Cuộc không kích đóng vai trò là một lời cảnh báo đối với Triều Tiên về việc thực hiện những hành động cực đoan, bởi suy đoán rằng chính quyền Tổng thống Trump kiềm chế sử dụng sức mạnh quân sự do lo ngại về sự đổ vỡ của các kết quả”.