📞

Chuyên gia quốc tế nhận định về vai trò quan trọng của TP. HCM trong thu hút nhân tài các nước

Xuân Sơn 10:51 | 29/09/2024
Đại diện Diễn đàn Kinh tế thế giới, thành phố Torino và Trung tâm Climateworks chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam bên lề Diễn đàn Kinh tế TP. HCM 2024 ngày 25/9.
Bà Kiva Allgood, Trưởng Trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng tiên tiến, Ủy ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho rằng chuyển đổi số và phát triển bền vững luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Bà Kiva Allgood, Trưởng Trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng tiên tiến, Ủy ban điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá cao TP. HCM trong vai trò đơn vị tổ chức, mang tới một sự kiện hết sức ý nghĩa, truyền tải sứ mệnh phát triển kinh tế thế giới và khai trương Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0. Chủ đề của Diễn đàn năm nay là chuyển đổi công nghiệp, vốn là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế.

"Chúng ta cũng cần tính đến vai trò của chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng cho người lao động trong các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), robot tự động. Chuyển đổi số và phát triển bền vững luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau", đại biểu WEF nhấn mạnh.

Nhận xét về những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp tại TP. HCM, bà Kiva Allgood cho rằng, đầu tiên là yếu tố nhân lực, họ cần học hỏi, tiếp thu kỹ năng, kiến thức mới về AI và sản xuất công nghiệp, còn giới trẻ nên được khuyến khích đóng vai trò tích cực hơn trong khía cạnh này. Chuyển đổi công nghiệp bao gồm 3 giai đoạn và yêu cầu sự tham gia của cả cộng đồng và người dân, trong đó ngành công nghiệp đóng vai trò then chốt.

Một trong những công việc chính của Trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng tiên tiến thuộc WEF là phối hợp và cùng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với đối tác ở nhiều khu vực khác nhau. "Chúng tôi đang dẫn dắt Mạng lưới Hải đăng toàn cầu (Global Lighthouse Network), một cộng đồng gồm 190 đối tác công nghiệp. Hàng tháng, chúng tôi đi thực địa, tham quan nhà máy và từng thăm những khu vực lân cận TP. HCM để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số", bà Kiva Allgood chia sẻ.

Mở khóa tương lai mới

Ông Stefano Lo Russo, Thị trưởng thành phố Torino (Italy) khẳng định TP. HCM và Torino đều có ngành công nghiệp phát triển mạnh. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Ông Stefano Lo Russo, Thị trưởng thành phố Torino (Italy) cho biết, Torino là thành phố công nghiệp rất quan trọng ở Tây Bắc Italy. Torino đang trải qua giai đoạn khó khăn để thích nghi với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Song, thành phố nỗ lực vượt qua những khó khăn này bằng cách tăng cường kết nối giữa ngành công nghiệp, đại học, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

“Có lịch sử phát triển công nghiệp mạnh mẽ, giờ đây, Torino đứng trước những thách thức mới do sự thay đổi của thế giới và thị trường mang lại. Kết nối giữa các nhóm kỹ sư, đại học và doanh nghiệp là chìa khóa để mang lại tương lai mới cho ngành công nghiệp và đây có lẽ là giải pháp nên được áp dụng trên toàn thế giới”, ông Stefano Lo Russo nhấn mạnh.

TP. HCM và Torino đều có ngành công nghiệp phát triển mạnh và chúng cần được xanh hóa hơn trong tương lai. Hai địa phương có thể cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm tạo kết nối mạnh mẽ hơn giữa Italy và Việt Nam, cung cấp thêm giải pháp cho người dân nhằm ứng phó với thách thức trong phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và phát triển ngành công nghiệp.

Thị trưởng thành phố Torino khẳng định: “Hãy chú trọng đến trí tuệ nhân tạo, ngành ô tô, hàng không vũ trụ. Để làm điều này, việc kết nối giữa các trường đại học sẽ rất quan trọng. Vì vậy, sự hiện diện của Torino tại Diễn đàn Kinh tế năm nay rất cần thiết để củng cố hợp tác giữa hai nước trong hiện tại và tương lai”.

Đi đúng hướng

Bà Trang Vân Nguyễn, Trưởng nhóm Đông Nam Á tại Trung tâm Climateworks cho rằng TP.HCM luôn đóng vai trò quan trọng trong thu hút nhân tài quốc tế. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Bà Trang Vân Nguyễn, Trưởng nhóm Đông Nam Á tại Trung tâm Climateworks nhấn mạnh, Trung tâm Climateworks thuộc Đại học Monash (Australia) làm việc với nhiều cơ quan chính phủ tại khu vực Đông Nam Á, hướng tới mục tiêu chuyển đổi phát thải ròng bằng 0 và giúp tăng cường tính cạnh tranh trong khuôn khổ phát triển kinh tế xanh trên toàn thế giới.

Liên quan đến phát triển công nghiệp, Trung tâm Climateworks có 4 định hướng chính, bao gồm tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nền kinh tế xanh; huy động vốn cho nền kinh tế xanh; phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường sức hấp dẫn của các quốc gia như Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài; củng cố hoạt động ngoại giao để tăng cường hợp tác phát triển giữa các quốc gia.

Khẳng định chính sách chuyển đổi công nghiệp của TP. HCM đang đi đúng hướng, bà Trang Vân Nguyễn nói: "Nhiều báo cáo ở Đông Nam Á chỉ ra hai quốc gia là Indonesia và Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong tăng cường năng lực nền kinh tế xanh. Đến năm 2050, 50% lực lượng lao động trong nền kinh tế xanh sẽ tập trung tại Indonesia hoặc Việt Nam và TP.HCM luôn đóng vai trò quan trọng trong thu hút nhân tài quốc tế, nhằm đẩy mạnh sức hút của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài".

Hiện thế giới chứng kiến xu thế của các doanh nghiệp như Apple hay Microsoft tham gia vào nhóm Greenable Energy 100, trong đó, các bên cam kết đến năm 2030 sẽ chuyển đổi 100% chuỗi cung ứng của mình sang cung ứng xanh.