📞

Chuyên gia: Trung Quốc là điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài hàng đầu thế giới

Việt An 15:21 | 04/05/2021
Ngày 3/5, bà Margit Molnar, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định, triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn và chính sách mở cửa hơn nữa của Trung Quốc là những nhân tố chính thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này.
Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia nhận FDI lớn nhất thế giới trong năm 2020. (Nguồn: Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Tân Hoa xã, bà Molnar cho biết, dòng vốn FDI đổ vào Trung Quốc trong năm 2020 đã tăng 14%, đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở thành điểm đến FDI hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, theo số liệu của OECD, cùng năm, FDI toàn cầu giảm 38% xuống 846 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2005.

Cũng theo OECD, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia nhận FDI lớn nhất thế giới trong năm 2020 khi hai nền kinh tế này nhận được lượng FDI lần lượt là 212 tỷ USD và 177 tỷ USD.

OECD nhận định, sự sụt giảm FDI toàn cầu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo bà Molnar, dịch Covid-19 đã tạo ra những tình huống bất thường, khi chính sách đóng cửa không có lợi cho việc thiết lập các dự án mới và có thể làm trì hoãn các quyết định đầu tư ra nước ngoài.

Bà Molnar cho hay, với việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại nhanh chóng sau khi kiểm soát tốt dịch Covid-19, quốc gia này đã trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác vẫn đang đóng cửa.

Bên cạnh đó, bà Molnar nhấn mạnh thêm rằng, chính sách tăng cường mở cửa của Trung Quốc là một yếu tố quan trọng khác trong việc thu hút FDI.

Theo Chỉ số Hạn chế Quy định FDI của OECD từ năm 2019 đến năm 2020, Trung Quốc đã giảm bớt các rào cản đối với FDI, rõ ràng nhất là trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Ngoài ra, các quy định trong lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và xây dựng cũng được nới lỏng.

"Ổn định dòng vốn đầu tư nước ngoài là một mục tiêu chính sách quan trọng, khi đây là chìa khóa để nâng cấp công nghệ và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Trung Quốc đã đi trước nhiều nền kinh tế tiên tiến trong các lĩnh vực mới nổi như thương mại điện tử hoặc trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng vẫn cần tiếp tục nâng cấp công nghệ trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả các ngành công nghiệp truyền thống và sản xuất", bà Molnar khẳng định.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho biết, Trung Quốc cũng đang trở thành một nhà đầu tư quốc tế lớn khi lượng FDI của nước này chiếm 16% tổng lượng FDI toàn cầu trong năm 2020, tăng từ mức 12% trong năm 2019

.

(theo Tân Hoa xã)