📞

Chuyện ít biết về ngôi sao Hollywood đam mê khoa học

17:09 | 14/03/2017
Ít ai biết rằng ngôi sao Hollywood Hedy Lamarr là người đã phát hiện ra kỹ thuật quang phổ, đặt nền móng cho sự phát triển của wifi, chìa khóa của công nghệ truyền thông không dây ngày nay.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, sự đóng góp cho ngành khoa học và công nghệ của ngôi sao Hollywood này vẫn chưa được công nhận.

Từ ngôi sao Hollywood...

Bà Hedy Lamarr sinh ngày 9/11/1914, tại thủ đô Vienna (Áo). Từ thuở thiếu thời, Lamarr được mô tả như một bé gái năng động, có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh.

Ngôi sao Hedy Lamarr. (Nguồn: Getty Images)

Năm 19 tuổi, Hedy Lamarr kết hôn với thương gia Friedrich Fritz Mandl - một cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt. Mối quan hệ của bà với Mand "thực sự là địa ngục" - như bà từng thổ lộ trong hồi ký của mình. Mandl đã thuê người để kiểm soát vợ nghiêm ngặt. Hàng ngày, bà bị nhốt ở nhà và không được đi đâu một mình. Cuộc sống gia đình trong 4 năm của bà chỉ là đi ăn tối cùng chồng với mục đích phát triển kinh doanh.

Năm 1937, bà Lamarr trốn khỏi nhà và cải trang để đi Paris. Bà đến London, rồi đến Mỹ. Trong chuyến đi đó, Lamarr đã gặp Louis B. Mayer, người đã phát hiện ra tài năng của bà và mời bà làm diễn viên. Đó là bước đầu tiên đưa Lamarr đến với Hollywood.

Năm 1942, Lamarr ghi dấu ấn quan trọng trong làng điện ảnh với vai diễn trong phim Ecstasy, đạo diễn bởi Gustav Machatý, được trình chiếu vào năm 1933. Với vai diễn này, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên đóng cảnh nóng trong lịch sử điện ảnh.

Hedy Lamarr cùng với John Hodiak trong phim “Quý bà không hộ chiếu”. (Nguồn: Infobae)

...đến nhà nữ khoa học

Năm 16 tuổi, Lamarr đã bắt đầu học kỹ thuật viễn thông nhưng không thể tốt nghiệp do  bận rộn với công việc diễn xuất và bị chồng kiểm soát, không cho bà có thời gian dành cho việc học tập.

Tuy nhiên, Hedy Lamarr chưa bao giờ từ bỏ niềm đam mê đối với khoa học. Bà tiếp tục tìm tòi và tự đào tạo. Cùng với nghệ sĩ dương cầm George Antheil, Lamarr đã phát hiện ra kỹ thuật quang phổ, một kỹ thuật được sử dụng trong viễn thông để truyền tải dữ liệu qua tần số phát sóng và đây là bước cơ bản đầu tiên cho sự phát triển của wifi. Phát minh này được cấp bằng sáng chế vào ngày 11/8/1942.

Dù có cuộc hôn nhân không hạnh phúc nhưng chính Mandl là người mà Lamarr đã học được những kiến thức về công nghệ tiên tiến thời điểm ấy. Mandl là một nhà cung cấp vũ khí, máy bay chiến đấu và hệ thống điều khiển cho Adolf Hitler và Benito Mussolini. Hedy Lamarr đã tranh thủ mọi cơ hội nhằm tiếp cận những công nghệ viễn thông, niềm đam mê tuyệt vời của cô vào thời điểm đó.

Trong Thế Chiến II, một trong những vấn đề chính là làm thế nào để truyền tải nhanh chóng và an toàn thông tin liên lạc. Và Lamarr đã tìm ra giải pháp cho vấn đề trên.

Lamarr nghĩ rằng tần số của thông tin liên lạc có thể được thay đổi liên tục như khi người ta chơi một chiếc piano. Trong thực tế, sự khám phá này đến từ bàn tay của nghệ sĩ dương cầm George Antheil.

Lamarr và Antheil sử dụng một cuộn giấy đục lỗ với 88 giá trị tần số khác nhau như các phím của cây đàn piano. Như vậy, chỉ người có mật mã mới biết được tần số thông tin liên lạc phát đi và do đó nội dung bức điện vẫn bảo đảm an toàn.

Nói cách khác, khi người truyền và người nhận chuyển đổi tần số thông tin, nó có thể kiểm soát và điều hành một quả ngư lôi qua một đài phát mà không cần sự can thiệp trực tiếp và đó là vấn đề cơ bản của thông tin liên lạc trong thời kỳ chiến tranh. Sau nhiều tháng làm việc, Hedy Lamarr đã nhận được bằng sáng chế với phát minh của mình.

Hedy Lamarr và sáng chế của mình. (Nguồn: iQ by Intel)

Sau nhiều năm do dự, vào năm 1962 Chính phủ Mỹ đã sử dụng kỹ thuật này trong thông tin liên lạc quân sự. Ngày nay, rất nhiều công nghệ truyền thông đường dài không dây dựa trên hệ thống kỹ thuật này. Tuy vậy, Lamarr và Antheil chưa bao giờ được trả tiền công cho phát minh của mình.

Hedy Lamarr qua đời vào ngày 19/1/2000  tại Caselberry, Mỹ. Thành tựu của bà trong lĩnh vực viễn thông đã được công nhận vào năm 2005 khi ngày sinh của bà (ngày 9/11) được công bố là Ngày sáng chế của Áo, Thụy Sỹ và Đức. Từ tháng 5/2014, tên tuổi của Lamarr và Antheil được ghi thêm vào danh sách các nhà phát minh nổi tiếng của Mỹ.

(theo Infobae)