Tình trạng 'nghẽn' lệnh liên tục xảy ra trên HOSE trong thời gian gần đây. (Nguồn: Tin nhanh Chứng khoán) |
Cao điểm là nghẽn lệnh
Từ cuối năm 2020 tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến giai đoạn giao dịch bùng nổ với thanh khoản tăng trưởng ấn tượng. Làn sóng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường đã giúp thanh khoản liên tiếp thiết lập những kỷ lục mới và đây là tín hiệu rất tích cực cho thị trường.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng quá "nóng", vượt xa dự báo của thị trường đã dẫn tới hiện tượng thường xuyên "nghẽn lệnh" trong nhiều phiên giao dịch và điều này gây ra không ít phiền toái cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến uy tín của thị trường.
Trong những ngày gần đây, thị trường chứng khoán liên tục xảy ra nghẽn lệnh cục bộ, tình trạng "nghẽn" lệnh, "loạn giá", bảng giá bị đơ, lệnh đặt không "khớp" được bị trả về… khiến nhà đầu tư muốn mua không được, bán cũng không xong.
Hiện tượng nghẽn lệnh chủ yếu diễn ra từ trước và sau Tết Nguyên đán, ở ngưỡng thanh khoản 14.000 - 17.000 tỷ đồng gây ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Hệ thống “bất ổn” dẫn đến nhà đầu tư đang chịu thiệt hại đơn, thiệt hại kép và bắt buộc phải “sống chung với lỗi” một cách đầy bức xúc. Thuật ngữ “lại rút phích điện” trở thành đề tài nóng trên khắp các diễn đàn chứng khoán và mạng xã hội.
Đơn cử như, đầu phiên giao dịch chiều 2/3, tình trạng nghẽn lệnh diễn ra khá sớm và gần như giao dịch trên HOSE đứng yên. Nhiều nhà đầu tư đã phản ứng mạnh vì tuột cơ hội trên thị trường chứng khoán và e ngại về những hệ lụy có thể xảy ra.
“Việc nghẽn lệnh khiến cho nhà đầu tư thiệt hại vô kể. Khi giá lên cao bán không được, khi giá chạm đáy thì không mua được, lỡ bao nhiêu cơ hội, chưa kể mất thời gian ngồi chờ, mất công mà không được việc gì”, anh Phạm Xuân Dũng, một nhà đầu tư than phiền.
Ghi nhận trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đang tỏ ra rất bức xúc. “Có tiền mà không mua được”, “có cổ phiếu mà không bán được”, “ùn tắc không lối thoát”, “cơ hội đang vuột qua” đang là những chủ đề nóng được bàn luận. Thiệt hại về tiền không biết đong đếm bao nhiêu cho nổi, nhưng điều quan trọng nhất là niềm tin nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Việc nghẽn lệnh diễn ra thường xuyên khiến tôi cũng như một số bạn bè thấy lo ngại về tính minh bạch và công bằng của thị trường chứng khoán. Bởi lúc thị trường lên thì mất cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ, lúc bán ra thì lỡ mất giá tốt. Thị trường chứng khoán giao dịch dựa vào kỳ vọng mà mất niềm tin của nhà đầu tư thì tôi nghĩ không ổn”, anh Hoàng Anh, một nhà đầu tư ở Hà Nội cho biết.
Theo quan sát của các nhà đầu tư, nếu phiên giao dịch buổi sáng mà giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt mốc 13.000 tỷ đồng trở lên thì buổi chiều sẽ bị nghẽn lệnh bởi giá trị giao dịch khớp lệnh tối đa của HOSE hiện quanh mốc 17.000 tỷ đồng/ngày. Do đó, gần đây, nhiều nhà đầu tư thường đẩy mạnh giao dịch vào phiên sáng, còn buổi chiều chỉ ngồi… ngắm bảng.
"Chuyển nhà" từ HOSE sang HNX
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), khảo sát thực tế cho thấy, nhưng nguyên nhân chính của hiện tượng “nghẽn lệnh” là do năng lực theo thiết kế của hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM có giới hạn về số lượng lệnh trong một ngày giao dịch, không đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng đột biến ngoài dự đoán của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.
Để giảm tải cho hệ thống giao dịch của HOSE, UBCKNN vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HSX), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) về việc chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX. UBCKNN yêu cầu HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE, mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới.
Theo đó, doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông gửi cho HNX và HOSE. HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới.
Các cơ chế giao dịch, giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo và công bố thông tin… áp dụng chung như với doanh nghiệp niêm yết trên HNX. HOSE và HNX phối hợp trong việc giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu này để đảm bảo tính liên tục trong giám sát.
Cũng theo UBCKNN, cổ phiếu của các công ty chuyển giao dịch hiện nằm trong bộ chỉ số VN-Index của HOSE sẽ được đưa ra khỏi bộ chỉ số của HOSE trong thời gian tạm thời chuyển giao dịch sang HNX. Tạm thời chưa xem xét chuyển giao dịch đối với các cổ phiếu của các công ty hiện nằm trong bộ chỉ số VN30.
UBCKNN yêu cầu HNX, HOSE và VSD khẩn trương xử lý để doanh nghiệp có thể chuyển giao dịch tương tự như các trường hợp chuyển niêm yết đã thực hiện từ trước đến nay. Cùng đó, HOSE và HNX thực hiện thông tin truyền thông rộng rãi đến doanh nghiệp, công chúng đầu tư.
Cơ chế này được áp dụng từ ngày 3/3/2021. UBCKNN sẽ có văn bản về việc chấm dứt cơ chế này khi chuẩn bị xong giải pháp công nghệ giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch của HOSE.
Theo một số nhà đầu tư, việc "chuyển nhà" này cũng chỉ là tạm thời, về lâu dài, điều cần thiết phải làm là nâng cao nội lực của hệ thống, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, bởi việc để hệ thống “lỗi thời” sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của thị trường.