📞

Chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Peru, tạo dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa hai nước

Tuấn Anh 15:03 | 14/11/2024
Chiều ngày 13/11, tại Phủ Tổng thống, ngay sau Lễ đón chính thức trọng thể, cuộc gặp riêng và hội đàm giữa Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Peru Dina Boluarte, hai bên đã ra Tuyên bố chung.
Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Peru Dina Boluarte tại cuộc gặp gỡ báo chí. (Ảnh: Tuấn Anh)

TUYÊN BỐ CHUNG

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ SONG PHƯƠNG

GIỮA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VÀ NƯỚC CỘNG HÒA PERU

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ngài Lương Cường thăm chính thức Peru từ ngày 12 đến 14/11/2024 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Peru, bà Dina Ercilia Boluarte Zegarra. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Chủ tịch nước Việt Nam tới Peru, tạo dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa hai nước.

Trong chuyến thăm, Tổng thống Dina Boluarte và Chủ tịch nước Lương Cường đã bày tỏ hài lòng về mức độ phát triển cao đạt được của quan hệ song phương và tái khẳng định ý chí củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ này vì lợi ích của nhân dân hai nước. Hai nhà Lãnh đạo và đoàn đại biểu cấp cao của cả hai nước đã có các cuộc làm việc quan trọng, trong đó rà soát những bước phát triển chính đạt được trong chương trình nghị sự song phương, cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Hai nhà Lãnh đạo đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung sau:

  • Hai Bên ghi nhận mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, nhấn mạnh tình hữu nghị, sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau đã gắn kết hai quốc gia, với nền tảng bền vững được đảm bảo bởi sự chia sẻ tầm nhìn trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là về các nội dung như bảo vệ chủ nghĩa đa phương, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy thương mại quốc tế và hợp tác Nam-Nam.
  • Hai Bên nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam tới Peru đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (14/11/1994-14/11/2024).
  • Hai Bên đánh giá cao kết quả đạt được trong khuôn khổ Phiên V cơ chế tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao diễn ra tại Lima ngày 3/10/2024; đồng thời hoan nghênh Kỳ họp lần thứ III của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Peru về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2025. Theo đó, hai Bên khẳng định sự cần thiết làm sâu sắc hơn đối thoại chính trị-kinh tế, đặc biệt là thông qua các cơ chế nêu trên.
  • Hai Bên khẳng định ý chí của hai nước trong việc nâng cấp quan hệ song phương lên một tầm cao mới và đồng ý bắt đầu thảo luận để sớm công bố chính thức việc này. Trong bối cảnh đó, hai Bên đã trao đổi về ưu tiên mở Đại sứ quán Việt Nam thường trú tại Lima.
  • Hai Bên nhất trí thúc đẩy các hoạt động cấp cao giữa hai nước, bao gồm trao đổi các chuyến thăm song phương và các cuộc gặp cấp cao nhân dịp các hội nghị quốc tế và diễn đàn đa phương. Đồng thời, hai Bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập pháp, chính quyền địa phương và giao lưu nhân dân.
  • Nhấn mạnh tiềm năng thương mại song phương, nổi bật trong năm 2023, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Peru ở Đông Nam Á và thứ năm ở châu Á, và tương tự, Peru đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam và điểm đến đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ Latinh.
  • Hai Bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà hai quốc gia đều là thành viên và cam kết thúc đẩy việc tận dụng sâu rộng Hiệp định này với mục đích tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại song phương; đồng thời, thúc đẩy một hệ thống thương mại toàn cầu mở, dựa trên luật lệ, công bằng và bao trùm.
  • Hai Bên chia sẻ sự cần thiết phải mở cửa thị trường hơn nữa cho các sản phẩm nông nghiệp của mỗi nước nhằm đa dạng hóa cơ cấu thương mại song phương và đảm bảo an ninh lương thực tại mỗi nước.
  • Tổng thống Dina Boluarte nêu bật tầm quan trọng của đầu tư Việt Nam vào Peru. Chủ tịch nước Lương Cường cũng hoan nghênh Peru tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
  • Hai nhà Lãnh đạo tái khẳng định cam kết thúc đẩy các biện pháp tăng cường đầu tư song phương theo hình thức có trách nhiệm, bền vững và bao trùm, tôn trọng các nguyên tắc về sự hiệu quả và toàn vẹn.
  • Peru mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Peru, đặc biệt trong khuôn khổ quan hệ đối tác công tư, tham gia vào Trung tâm hậu cần, công nghiệp và công nghệ đa phương thức nằm ở vùng duyên hải miền Trung Peru trong tương lai, dự kiến được xây dựng với việc khánh thành cảng Chancay mới.
  • Hai Bên ghi nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy và củng cố hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba Bên như một cơ chế tăng cường quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, khai khoáng, dầu khí, du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu.
  • Hai Bên bày tỏ sẵn sàng tìm cách thúc đẩy hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tạo điều kiện cho các công ty viễn thông, công nghệ thông tin Việt Nam tham gia các dự án chuyển đổi số, hạ tầng số, phát triển đô thị thông minh, an ninh mạng, y tế số, giáo dục số, tài chính số và đặc biệt là các dự án phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục, như triển khai internet trong các trường học Peru.
  • Hai nhà Lãnh đạo khẳng định quan tâm thực hiện Thỏa thuận về hợp tác văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Peru, được ký kết vào ngày 18 tháng 11 năm 2016, nhằm tăng cường sự hiểu biết về truyền thống và phong tục tập quán của nhân dân hai nước, thông qua việc xây dựng một chương trình hợp tác văn hóa.
  • Hai Bên nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường mối quan hệ giáo dục, thúc đẩy thiết lập các thỏa thuận hợp tác giữa các trường đại học của hai nước.
  • Chia sẻ tầm nhìn chung về các thách thức toàn cầu hiện nay, như xóa đói, giảm nghèo, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, bảo vệ đại dương, tài nguyên nước và an ninh lương thực; hai Bên khẳng định cam kết thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các cam kết đạt được trong các Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.
  • Hai Bên khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, tôn trọng nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp, nghiêm cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và quy định của Hiến chương Liên hợp quốc
  • Hai Bên nhất trí thúc đẩy các sáng kiến cùng quan tâm trong các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương mà Việt Nam và Peru là thành viên, như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn Hợp tác Mỹ Latinh-Đông Á (FEALAC) và Phong trào không liên kết, trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
  • Peru cảm ơn sự ủng hộ tích cực của Việt Nam trong quyết định của ASEAN để Peru trở thành "đối tác phát triển" vào ngày 29/1/2024, qua đó cho phép tăng cường hợp tác của Peru với khối hội nhập khu vực này.
  • Hai Bên tái khẳng định cam kết tiếp tục triển khai khuôn khổ Ủy ban Đối tác Phát triển ASEAN-Peru. Peru đã đề xuất hợp tác với ASEAN bằng cách chia sẻ các thông lệ tốt của các cơ quan hành chính công cũng như các cơ quan quản lý Peru.
  • Hai Bên bày tỏ ủng hộ nhiệm vụ thúc đẩy cộng đồng ASEAN tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm; nhất trí phối hợp các nỗ lực tăng cường quan hệ giữa ASEAN và Liên minh Thái Bình Dương, thúc đẩy tăng trưởng xanh và các sáng kiến phát triển bền vững ở mỗi nước và ở cả hai khu vực.
  • Hai Bên cam kết tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các ứng cử tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế mà hai Bên cùng tham gia.
  • Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá cao vai trò chủ nhà của Peru trong nhiệm kỳ Chủ tịch APEC Peru 2024, thông qua việc thúc đẩy các văn kiện quan trọng về chuyển đổi sang nền kinh tế chính thức, liên kết kinh tế khu vực, tăng trưởng bền vững và bao trùm, an ninh lương thực và năng lượng sạch. Về phần mình, Tổng thống Dina Boluarte cảm ơn sự đóng góp của các đoàn Việt Nam tham dự tất cả các cuộc họp APEC trong suốt năm 2024, đồng thời bày tỏ ủng hộ và sẵn sàng phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức và phát triển các chủ đề, sáng kiến trong nhiệm kỳ Chủ tịch APEC Việt Nam 2027.
  • Hai Bên hoan nghênh việc ký kết Bản ghi nhớ cập nhật giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại Lima. Hai Bên cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy đàm phán các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, như về thuế, chuyển đổi số, an ninh và phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
  • Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức, Tổng thống Dina Boluarte đã trao tặng Chủ tịch nước Lương Cường Huân chương "Mặt trời Peru" như một biểu hiện về mức độ tốt đẹp đạt được trong quan hệ giữa hai nước. Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ cảm ơn vinh dự nhận huân chương cao quý nhất của Peru.
  • Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cảm ơn Tổng thống Cộng hòa Peru về sự đón tiếp và quan tâm trong chuyến thăm chính thức, và chuyển lời mời bà Tổng thống Peru thăm chính thức Việt Nam, thời điểm chuyến thăm sẽ được thống nhất qua kênh ngoại giao.

Lima, ngày 13 tháng 11 năm 2024