Biểu đồ tỷ lệ nhiễm bệnh Covid-19 ở các nước đang dẫn đầu về số ca nhiễm sáng 11/4. (Nguồn: Worldometers) |
Đến nay, trên toàn cầu đã có 375.960 bệnh nhân Covid-19 bình phục hoàn toàn, trong khi có 49.833 trường hợp đang nguy kịch. Đại dịch Covid-19 đã lây lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Số liệu tử vong của dịch Covid-19 đã ngang với đại dịch hạch London vào giữa những năm 1660 gây ra cái chết của khoảng 100.000 người, tương đương khoảng 1/3 dân số của thành phố này vào thời điểm đó. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với căn bệnh thường gọi là cúm Tây Ban Nha, bùng phát vào năm 1918 khiến hơn 20 triệu người tử vong tính tới thời điểm nó biến mất vào năm 1920.
Với số liệu thống kê trên 100.000 ca tử vong trong số trên 1,6 triệu ca mắc bệnh, hiện tỷ lệ tử vong của dịch Covid-19 là 6,25%, song nhiều chuyên gia tin rằng, tỷ lệ thực tế sẽ thấp hơn do nhiều trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không biểu hiện gì, trong khi số liệu tổng hợp không bao gồm những người mắc bệnh mà không có triệu chứng. Một số quốc gia như Italy, Pháp, Algeria, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh có tỷ lệ tử vong lên tới trên 10%.
* Mỹ tiếp tục là quốc gia hứng chịu nhiều thiệt hại về người nhất do dịch Covid-19, với tổng số bệnh nhân là 501.272, tăng 32.706 ca so với ngày hôm qua và số ca tử vong là 18.666, gần vượt Italy là nước có số ca tử vong cao nhất với 18.849 trường hợp.
Bang New York, tâm dịch Covid-19 tại Mỹ, tiếp tục ghi nhận số ca tử vong cao, đồng thời trở thành địa phương có số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất thế giới.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 10/4, Thống đốc bang New York thông báo ghi nhận 777 ca tử vong do Covid-19 trong vòng 24 giờ qua. Trước đó một ngày, bang nằm ở bờ Đông nước Mỹ này cũng ghi nhận 799 ca tử vong.
Tính đến nay, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại bang New York là 7.844 người. Tuy nhiên, Thống đốc bang này bày tỏ "lạc quan một cách thận trọng" rằng, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 đang giảm.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, số ca tử vong do SARS-CoV-2 tại Mỹ sẽ thấp hơn con số 100.000 người theo dự báo ban đầu.
Theo Tổng thống Trump, Mỹ đang gần chạm ngưỡng đỉnh dịch và số ca dương tính mới với SARS-CoV-2 trên cả nước đang có chiều hướng giảm, cùng với đó là tình hình dịch bệnh tại các tiểu bang New Orleans, Louisiana, Detroit, Michigan đang ổn định.
Trong tuần này, giới chức Mỹ đã cảnh báo người dân về số ca tử vong đáng báo động do sự bùng phát dịch Covid-19. Với việc nhiều người Mỹ tổ chức lễ Phục Sinh vào ngày 12/4 tới, các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ ngày 10/4 đã cảnh báo rằng, còn quá sớm để nới lỏng những biện pháp hạn chế đối với người dân.
* Tại Anh, tính đến 6h ngày 11/4 (giờ Việt Nam), ghi nhận 73.758 ca nhiễm Covid-19 với 8.958 ca tử vong, tăng 980 ca trong vòng 24h qua, ngoài ra, có 1.559 bệnh nhân đang nguy kịch.
* Tại Italy, trong 24h qua, ghi nhận thêm 3.591 ca nhiễm mới Covid-19 và 570 ca tử vong mới nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 147.577, số ca tử vong lên 18.849.
Bất chấp những tác động tới nền kinh tế, ngày 10/4, Chính phủ Italy đã gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại đến ngày 3/5 do lo ngại nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại nếu dỡ bỏ hạn chế mặc dù có dấu hiệu tích cực là đường cong dịch bệnh đang cho thấy xu hướng giảm.
Chính phủ Italy đồng thời công bố sắc lệnh mới về giai đoạn 2 ứng phó với dịch bệnh dựa trên 2 trụ cột: một nhóm chuyên gia làm việc và các biện pháp đảm bảo an toàn tại nơi làm việc. Theo sắc lệnh mới, các cửa hàng văn phòng phẩm, quần áo trẻ em, giặt là và một số hoạt động sản xuất có thể mở cửa trở lại sau ngày 14/4.
* Cơ quan y tế Pháp tối 10/4 xác nhận, trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 987 ca tử vong vì bệnh Covid-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 13.197 trường hợp. Trong số đó bao gồm 8.598 ca tử vong tại bệnh viện (tăng 554 ca trong 24 giờ) và 4.599 ca trong các nhà dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội (tăng 433 ca).
Lần đầu tiên tại Pháp, một bệnh nhi dưới 10 tuổi dương tính với SARS-CoV-2 đã tử vong. Giới chức y tế cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong, song chưa nói rõ chi tiết.
Hiện ở Pháp ghi nhận 124.869 ca nhiễm Covid-19, trong đó 31.267 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện (tăng 3.161 trường hợp trong 24 giờ), bao gồm 7.004 trường hợp được chăm sóc đặc biệt (tăng 431 ca). Hơn 25.000 người đã khỏi bệnh và ra viện.
* Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 4.747 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 47.029 người. Với 98 ca tử vong mới, hiện Thổ Nhĩ Kỳ có tổng cộng 1.006 người tử vong do dịch Covid-19.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận thêm 281 người hồi phục, nâng tổng số bệnh nhân hồi phục lên 2.423.
Bộ Nội vụ ngày 10/4 thông báo, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 2 ngày tại 31 địa phương, bao gồm cả Istanbul, Ankara và các thành phố lớn khác, nhằm đối phó với sự lây lan của đại dịch Covid-19, bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm 10/4 và sẽ kết thúc vào đêm 12/4.
* Tình hình dịch Covid-19 đang có xu hướng nghiêm trọng hơn tại Argentina bất chấp lệnh cách ly xã hội bắt buộc đã áp dụng được 3 tuần.
Theo thông báo của Bộ Y tế Argentina, số ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này đã lên tới 83 người, tăng thêm 13 trường hợp trong 24 giờ qua và là con số tử vong cao nhất trong ngày được ghi nhận cho tới thời điểm này, trong khi số trường hợp dương tính cũng tăng lên 1.975 người.
* Tại Singapore ngày 10/4 ghi nhận thêm 198 ca nhiễm SARS-CoV-2 , nâng tổng số ca mắc lên 2.108 người, với 7 ca tử vong.
Toàn bộ 198 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới ghi nhận là những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Cho tới nay, Singapore có tổng cộng 492 bệnh nhân đã hồi phục và ra viện. Phần lớn trong số 875 ca đang điều trị trong bệnh viện đều ở trong tình trạng ổn định và sức khỏe có cải thiện, trong khi 32 trường hợp đang nguy kịch cần điều trị đặc biệt. Ngoài ra, có 734 trường hợp khỏe mạnh, song xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hiện đang được cách ly và chăm sóc tại các cơ sở cộng đồng.
* Ngày 10/04, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các nước nên thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống sự lây lan đại dịch Covid-19.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, việc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế có thể dẫn đến sự hồi sinh “chết người” của dịch bệnh.
Theo Tổng giám đốc WHO, quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cần được cân nhắc dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, cũng như khả năng ứng phó của lực lượng y tế. Ông cho rằng, cần phải có các biện pháp đề phòng tại những nơi đông người như ở công sở, trường học hay các địa điểm quan trọng. Ngoài ra, người dân cũng cần được nâng cao nhận thức về dịch bệnh trong thời điểm trước khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Tại Việt Nam, tính đến 7h sáng ngày 11/4, ghi nhận 257 trường hợp, nhiễm Covid-19, trong đó có 159 người từ nước ngoài chiếm 61,9%; 98 người lây nhiễm thứ phát. 144/257 ca đã được điều trị khỏi và chuyển cơ sở theo dõi, 113 ca còn lại đang được điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước. Hiện có 2.685 ca nghi nhiễm đang được cách ly, theo dõi chặt chẽ. 74.941 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện là 720 ca, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 24.329 ca, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 49.892 ca. |