📞

Chuyến thăm mang tên Lịch sử

10:08 | 24/08/2017
Chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Cộng hòa Indonesia (từ ngày 22-24/8) có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng và mang tính biểu tượng rất lớn đánh dấu quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn mới gần gũi hơn, sâu sắc hơn và toàn diện hơn.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1955, đây là lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước, một lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng ta thăm chính thức Indonesia. Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN (8/8/1967 – 8/8/2017) càng thể hiện thiện chí và mong muốn của Việt Nam tăng cường quan hệ đoàn kết tốt đẹp với ASEAN nói chung, với Indonesia nói riêng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Nguồn: VOV)

Nắm bắt thuận lợi, giải quyết khó khăn

Quan hệ Việt Nam – Indonesia đang đứng trước những thuận lợi nhất định. Thứ nhất, hai nước đều có quyết tâm chính trị muốn tăng cường hợp tác trên nền móng vốn có của quan hệ Đối tác chiến lược. Đây là điểm quan trọng nhất và là tiền đề để hai nước tiếp tục thúc đẩy, phát triển quan hệ sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Thứ hai, hai nước có rất nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN đã hình thành và được xem là bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện. Thứ ba, trên cơ sở nền móng các cơ chế trao đổi song phương hiện có về ngoại giao, kinh tế, kỹ thuật, nghề cá... hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa về các mặt.

Bên cạnh đó cũng còn một số khó khăn. Trước tiên, nhiều hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia còn gặp trở ngại từ phía Indonesia như gạo, điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng, tôn, thép... ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của Uỷ ban hỗn hợp hai nước. Hiện việc gia hạn hợp đồng nhập khẩu gạo đối với các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn là yếu tố khá nhạy cảm với nội bộ Indonesia. Tuy nhiên, Indonesia vẫn luôn ưu tiên cho Việt Nam nếu phải nhập khẩu gạo. Tiếp đến, việc hợp tác khai thác hải sản giữa hai nước đang có một số vướng mắc, nhất là quy định không cấp phép cho tàu cá nước ngoài, gây khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào Indonesia.

Hợp tác tốt trên biển

Thời gian tới, Indonesia và Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh thông qua việc duy trì Nhóm làm việc chung về Hải quân giữa hai nước; đồng thời thúc đẩy thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp, tạo điều kiện cho việc trao đổi giữa hai bên khi có sự cố trên biển; triển khai các hoạt động chung về tìm kiếm, cứu nạn, tiến tới tiến hành tuần tra liên hợp trên biển.

Hai bên đang phối hợp tốt trong việc giải quyết vấn đề ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tại Indonesia thời gian qua. Thành công rõ nhất là từ năm 2016 đến nay, sau nhiều đợt trao trả năm 2016 và 11 đợt từ đầu năm 2017 đến nay, hai bên đã phối hợp đưa 1.212 ngư dân Việt Nam trở về đoàn tụ với gia đình. Đây là nỗ lực rất lớn đòi hỏi sự phối hợp nhanh, ăn ý giữa các Bộ, ngành của hai nước trong vấn đề ngư dân. Từ đó, hai bên có thể mở rộng triển khai hợp tác trên nhiều vấn đề khác lớn và dễ dàng hơn. 

Hiện nay chỉ còn tồn tại vướng mắc trong đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị và thiện chí muốn giải quyết các bất đồng trên biển, tạo điều kiện cho ngư dân hai nước tiếp tục đánh bắt, hai bên sẽ sớm tìm được giải pháp thỏa đáng.

Vấn đề Biển Đông là một trong những vấn đề an ninh khu vực quan trọng nhất đối với ASEAN và đối với từng nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Indonesia. Lâu nay, Indonesia với tư cách là nước trụ cột trong ASEAN đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông, thúc đẩy đoàn kết trong ASEAN và nỗ lực cùng Trung Quốc sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Trên tinh thần đó, Việt Nam hy vọng sẽ cùng Indonesia, cũng như tất cả các nước ASEAN khác tích cực trao đổi, tăng cường hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, tuân thủ nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới COC.

Khai thác tiềm năng cùng phát triển

Tôi tin rằng triển vọng quan hệ Việt Nam - Indonesia sẽ còn phát triển tốt đẹp và sâu rộng hơn nữa về chính trị, kinh tế, an ninh, văn hóa... Indonesia có quy mô nền kinh tế đứng thứ 10 thế giới, là nước có vai trò quan trọng đối với chính trị và kinh tế của thế giới và khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có thể tận dụng hơn nữa lợi thế của Indonesia trong ASEAN và khai thác nhiều cơ hội hợp tác để hai nước cùng phát triển.

Ngoài ra, hai bên còn nhiều dư địa để mở rộng đầu tư nhất là trong các lĩnh vực có tiềm năng như cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông, ngân hàng… Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí khuyến khích các Bộ, ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh trao đổi thông tin, xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập, tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ASEAN, đóng góp vào việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều lĩnh vực hai bên chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của nhau như nuôi trồng và chế biến thủy sản hay du lịch. Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Vietjet Air đã công bố mở đường bay thẳng từ TP. Hồ Chí Minh đi Jakarta. Cùng với đường bay hiện có do Vietnam Airlines đang khai thác tốt và có hiệu quả, việc mở đường bay mới hy vọng sẽ tăng cường khách du lịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên trong thời gian tới.

Hoàng Anh Tuấn

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia