📞

CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

Hồng Châu 22:02 | 17/10/2024
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) không chỉ tác động tới ngành nước giải khát, mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành.

Ngày 17/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường”, thu hút sự tham dự của các chuyên gia trong ngành, chuyên gia kinh tế...

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) thông tin, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng. Trong đó, nội dung chính sách được bổ sung mới tại dự thảo là “Mở rộng cơ sở tính thuế” quy định: “Bổ sung nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt”. Đồng thời, dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) thông tin tại Hội thảo. (Ảnh: Hồng Châu)

Tuy nhiên, trong thuyết minh, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng các quy định này. Có ý kiến chuyên gia và một số phân tích khoa học cho thấy việc áp thuế TTĐB như tại dự thảo chưa đảm bảo hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng; đồng thời chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cũng chưa có luận giải về cơ sở của việc đề xuất áp dụng thuế suất thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường.

Bà Thảo nhấn mạnh, báo cáo của CIEM nhận diện các tác động kinh tế dựa trên cấu trúc nền kinh tế Việt Nam thông qua bảng IO cập nhật năm 2022 và các dữ liệu chính thống liên quan sẵn có. Kết quả tính toán cho thấy khi áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường thì các tác động cụ thể tới ngành này như sau: (i) Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp sau khi tăng thuế; (ii) Giá trị tăng thêm (VA) và giá trị sản xuất (GO) của nhóm ngành nước giải khát đều giảm. Trong đó, giá trị tăng thêm giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng.

Đồng thời, việc áp thuế TTĐB không chỉ tác động tới ngành nước giải khát, mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Điều này khiến cho tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%; tương đương 55.077 tỷ đồng. Cùng với đó, kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%, tương đương giảm 42.570 tỷ đồng; khấu hao tài sản cố định giảm ở mức -0,654% (tương đương giảm 7.767 tỷ đồng); lợi nhuận giảm với mức -0,561% (tương đương giảm 8.773 tỷ đồng).

"Chính vì vậy CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, bởi thời gian qua, doanh nghiệp ngành nước giải khát liên tiếp chịu tác động bởi những cú sốc về dịch bệnh và những biến động khó lường, khiến cho sức chống chịu của doanh nghiệp ngành nước giải khát suy giảm, năng lực cạnh tranh bị bào mòn.

Giai đoạn này Chính phủ cần hướng tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi; sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì ban hành các quy định có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh", bà Thảo kiến nghị.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của CIEM cũng đề xuất cơ quan soạn thảo cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; giải trình rõ ràng, minh bạch, công khai đối với các ý kiến góp ý. Đồng thời, việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện, thực chất, dựa trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục.

CIEM đề xuất Hiệp hội ngành hàng (cụ thể là Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA)) cần chủ động cập nhật, phối hợp cung cấp thông tin, cơ sở khoa học tới cơ quan soạn thảo và các bên liên quan trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo Luật và các hiệp hội cũng cần hợp tác trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm; kịp thời thể hiện quan điểm chính sách; phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất các kiến nghị liên quan đến chính sách và thực thi chính sách, để đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, việc áp dụng với thuế TTĐB với nước giải khát có đường sẽ tác động lớn tới người tiêu dùng, doanh nghiệp. (Ảnh: Hồng Châu)

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, khi chưa có đầy đủ các đánh giá tác động, VBA kiến nghị xem xét cân nhắc chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại lần sửa đổi này.

Một số doanh nghiệp cho biết thêm, nếu phân tích chuyên sâu, lượng đường gây ra bệnh béo phì không hoàn toàn đến từ nước giải khát. 5g/100ml không thể là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh béo phì. Trên thị trường có nhiều mặt hàng khác có hàm lượng đường cao như trà sữa, bánh kẹo, bánh trung thu… Vậy có nên đánh thuế và đánh thuế như vậy liệu có công bằng?

Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, việc áp dụng với thuế TTĐB với nước giải khát có đường sẽ tác động lớn tới người tiêu dùng, doanh nghiệp. Vì vậy, cần có cơ sở đánh giá khoa học, cũng như có những bằng chứng thuyết phục hơn nữa về việc áp thuế hay không áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường.

"Các cơ quan liên quan cần đưa ra chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tình hình kinh tế Việt Nam và sức khỏe cộng đồng là điều quan trọng. Hiện nay có nhiều luồng ý kiến về vấn đề này và cần thêm nhiều nghiên cứu cụ thể", bà Hà đề xuất.