Trong thế kỷ XX, sự thay đổi của ngành công nghiệp 3.0 (Internet, kết nối toàn cầu) đã thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá diễn ra với tốc độ chóng mặt. Theo kết quả tổng kết của chương trình Cafe Khởi nghiệp, thời gian để một sản phẩm truyền thống như: ô tô, điện thoại hữu tuyến... trở thành sản phẩm "toàn cầu" với trên 50 triệu người sử dụng là trên 50 năm, thì với tivi là 22 năm, máy tính 18 năm, điện thoại di động 12 năm, Internet 7 năm và Facebook chỉ có 3 năm.
Rào cản từ điểm yếu cố hữu
Với các DN Việt Nam, mặc dù cuộc CMCN 4.0 chỉ mới diễn ở giai đoạn đầu, nhưng dựa trên kết quả đột phá của giai đoạn Công nghiệp 3.0, tin chắc sự thay đổi và cơ hội rất lớn đang chào đón các DN trong kỷ nguyên 4.0.
Năng lực cốt lõi yếu và thiếu, đặc biệt là năng lực đổi mới và sáng tạo. (Ảnh minh họa) |
Trước tiên, CMCN 4.0 sẽ thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh. Để nhanh chóng thích ứng, các DN cần ưu tiên sử dụng các nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh nhằm tối ưu quy trình, phương thức sản xuất, tăng năng suất lao động và giảm thiểu thời gian vận hành, thời gian lưu chuyển hàng hoá trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo các nghiên cứu thị trường, thương mại điện tử giữa DN với nhau trên toàn cầu có thể đạt 6.700 tỷ USD năm 2020, thương mại số dự báo tăng 15%/năm trong giai đoạn 2015-2020.
Ngoài ra, DN Việt Nam có thể đón nhận những cơ hội khác từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, như tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu; cung cấp sản phẩm dịch vụ qua biên giới dễ dàng với chi phí thấp.
Bên cạnh thuận lợi, DN Việt đang gặp rất nhiều rào cản lớn. Đầu tiên phải kể tới rào cản từ chính sách, khi những sản phẩm và mô hình kinh doanh "chưa từng có trong tiền lệ" hình thành ví như dịch vụ vận chuyển Uber, Grab; tiền điện tử Bitcoin... khiến rất nhiều quốc gia lúng túng trong xử trí và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Chúng ta cần có những chính sách và hành lang pháp lý mới nhằm quản lý hiệu quả các mô hình kinh doanh mới, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sáng tạo và đổi mới.
Rào cản tiếp theo đến từ điểm yếu cố hữu của DN Việt Nam: Năng lực cốt lõi yếu và thiếu, đặc biệt là năng lực đổi mới và sáng tạo. Công nghệ sử dụng phần lớn lạc hậu và chậm thay đổi nhiều năm so với các DN cùng quy mô trên thị trường khu vực và quốc tế.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2017, 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các DN Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990; khoảng 75% số máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao, hiệu quả sản xuất thấp. Trong khi đó, với những đòi hỏi về nền tảng của công nghệ số, kết nối thông minh cùng những đổi thay hàng ngày về mặt công nghệ trong cuộc CMCN 4.0, buộc các DN phải có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong đầu tư và sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2017 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECOM) tại các DN xuất - nhập khẩu cho thấy, năm 2016 mới chỉ có 32% DN đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn thương mại điện tử và 49% có website. Điều này rõ ràng là một hạn chế lớn đối với các DN khi vào cuộc với CMCN 4.0.
Thay đổi triết lý đào tạo
Trước những cơ hội và thách thức trên, định hướng chiến lược mũi nhọn mà DN Việt Nam nên tận dụng trong kỷ nguyên 4.0 chính là đổi mới công nghệ, sử dụng các mô hình kinh doanh mới khai thác triệt để về Big Data (dữ liệu lớn), iCloud (điện toán đám mây) và IoT (Internet vạn vật) nhằm tạo nên những sản phẩm có giá trị sử dụng hoàn toàn mới.
Với các DN đã kinh doanh theo mô hình truyền thống, đây là cơ hội để thay đổi công nghệ, vượt trước đối thủ và lựa chọn lại sân chơi toàn cầu thay vì chỉ tập trung củng cố thị trường trong nước.
Song song với đầu tư ứng dụng công nghệ mới, rút ngắn thời gian và chi phí sản xuất, DN cũng cần đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là thay đổi triết lý đào tạo nguồn nhân lực, hướng đến lực lượng lao động trẻ, có khả năng thích ứng nhanh, có hiểu biết và dễ dàng tiếp cận với công nghệ 4.0. Mặt khác, việc mở rộng quy mô, tìm kiếm các ứng viên ngoài Việt Nam để giúp DN dễ dàng hơn trong cơ hội vượt biển ra thế giới.
Bên cạnh đó, yêu cầu đối với chất lượng nguồn nhân lực là một trong những vấn đề lớn nhất trong CMCN 4.0 do những thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực trong thị trường kỹ thuật số. Ước tính đến năm 2020, riêng khu vực châu Âu có thể thiếu khoảng 825.000 chuyên gia trong mảng lĩnh vực này.
Đặc biệt, theo khảo sát trên 2.000 DN thành viên của Hiệp hội DN Nhỏ và Vừa Hà Nội năm 2017, mặc dù có tới 85% DN có quan tâm tới CMCN 4.0, tuy nhiên chỉ có 19% bắt đầu thực sự nghiên cứu về 4.0 và 12% DN đã ứng dụng được 4.0 vào hoạt động. Điều này cho thấy sự thụ động và sức ỳ rất lớn của DN Việt Nam trước vận hội thế kỷ này.
Với một thị trường có 52 triệu người đang sử dụng Internet, đứng thứ 5 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 55% dân số sử dụng smartphone, DN Việt Nam đang có một nền tảng vững chắc trong việc nắm bắt cơ hội phát triển từ CMCN 4.0.
Tuy nhiên, trước làn sóng công nghệ đang thay đổi chóng mặt như hiện nay, nếu DN còn tiếp tục thờ ơ, đứng ngoài cuộc, không tự đổi mới, sáng tạo và tìm hướng đi phù hợp nhất, chắc chắn sẽ tụt hậu. Trong thương trường, tụt hậu có nghĩa là doanh thu sụt giảm, hàng hóa, dịch vụ không bán được, mất thị trường và bị đào thải.
Đặng Thanh Vân
CEO - Thanhs Branding & Management