Không phải nền kinh tế châu Á nào cũng báo cáo số liệu kinh tế quý IV/2020 và cả năm 2020. Theo các ước tính do CNBC tổng hợp từ các nguồn chính thức và các tổ chức kinh tế uy tín như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, Việt Nam vượt trội hơn tất cả các nước cùng khu vực trong năm 2020.
Bảng tổng hợp về tăng trưởng kinh tế các quốc gia châu Á trong năm 2020. (Nguồn: CNBC) |
Nền kinh tế Việt Nam năm 2020 đã tăng trưởng 2,9%, con số này tốt hơn mức tăng trưởng 2,3% của Trung Quốc.
Các nhà kinh tế của Bank of America Global Research cho biết, với kết quả này, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng cao nhất châu Á trong một năm đầy rẫy khó khăn. Đây cũng được ghi nhận là một kỳ tích trong bối cảnh phần còn lại của thế giới đang chìm trong suy thoái sâu sắc.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều nhà kinh tế vẫn tỏ ra lạc quan rằng, tăng trưởng kinh tế của đất nước này sẽ tăng tốc trong năm nay.
Dưới đây là cách Việt Nam trở thành nền kinh tế có hiệu suất hàng đầu trong khu vực.
Hình mẫu chống Covid-19
Việc xử lý nhanh, gọn sự bùng phát của đại dịch Covid-19 được quốc tế ca ngợi như một hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển khác và giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển trong suốt năm 2020.
Các nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo, đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đó có thể sẽ tiếp tục trong năm nay và cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 9,3% vào năm 2021 - mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức 6,7% mà Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán.
Các chuyên gia kinh tế như ông Craig Martin, Giám đốc danh mục đầu tư Vietnam Holding, Chủ tịch Dynam Capital cũng cho rằng, vinh quang đến từ các nỗ lực không ngừng nghỉ, khi Việt Nam vừa khống chế thành công dịch Covid-19, vừa bảo đảm phát triển toàn diện kinh tế-xã hội.
“Thành công trong việc ứng phó với dịch bệnh, cùng với vị thế của mình, Việt Nam đã tạo nên một hiệu ứng lan toả tích cực. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư cũng cảm thấy an tâm và tự tin hơn. Chúng tôi cũng rất tin tưởng với sự tăng trưởng kinh tế, cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm sau”, ông Craig Martin nói.
Điểm sáng xuất khẩu
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã khởi sắc năm ngoái nhờ xuất khẩu ổn định. Các nhà kinh tế cho hay, đó là xu hướng sẽ còn tồn tại trong những năm tới.
“Xét rằng, Việt Nam là nước hưởng lợi lớn từ xu hướng tái định cư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong vài năm qua, chúng tôi nhận thấy xuất khẩu của quốc gia này trong những năm tới vẫn sẽ là điểm sáng”, Công ty Fitch Solutions nhận định trong một báo cáo tháng 12/2020.
Công ty này cho biết thêm, quốc gia Đông Nam Á này cũng đã ký một số hiệp định thương mại tự do mới, chẳng hạn như với Vương quốc Anh (UKVFTA) và Liên minh châu Âu (EVFTA) - có thể thúc đẩy hơn nữa dòng chảy thương mại với các thị trường tiềm năng trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Gareth Leather, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Capital Economics nhấn mạnh, vẫn còn mối đe dọa tiềm tàng đối với tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 12 năm ngoái đã coi Việt Nam là nước thao túng tiền tệ. Điều đó sẽ cho phép Mỹ thực hiện các hành động trừng phạt như thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Nhưng các nhà phân tích từ Ngân hàng ANZ của Australia cho hay, họ không mong đợi bất kỳ hành động tức thời nào từ Mỹ, một phần vì chính quyền của Tổng thống Joe Biden “có thể không có quan điểm cứng rắn về vấn đề này như dưới thời Tổng thống Trump”.
Phục hồi trong ngành dịch vụ
Ngành dịch vụ của Việt Nam, vốn bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch đã dần phục hồi vào cuối năm 2020.
Các nhà kinh tế nhận định, mức độ phục hồi của ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch sẽ quyết định tốc độ phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á Leather mô tả, triển vọng du lịch có thể không quá vượt trội. Tuy nhiên, nhà kinh tế này vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 10% trong năm nay. Đây cũng là dự báo lạc quan nhất trên thị trường.