Liệu sẽ có một cuộc chiến trong đất hiếm xảy ra trong thời gian tới? |
Quặng đất hiếm chứa 17 nguyên tố có hàm lượng rất nhỏ trong vỏ trái đất nhưng lại là mặt hàng nguyên liệu chiến lược. Đất hiếm được ví như "muối của cuộc sống" với cuộc cách mạng công nghệ cao, khi xuất hiện từ iPad tới Blackberry, tivi tinh thể lỏng hoặc laser... Những vũ khí tối tân của Mỹ như xe tăng M1A2 Abrams hay radar Aegis Spy-1, tên lửa Hell Fire, thiết bị vệ tinh… đều cần tới đất hiếm, và thậm chí hiệu quả của các xe tăng chiến đấu chính của Mỹ phụ thuộc vào một kim loại chỉ Trung Quốc mới có. Ngoài ra đất hiếm còn là nguyên liệu quan trọng đối với việc phát triển các dạng năng lượng không gây ô nhiễm môi trường. Các nhà phân tích cho rằng không có những kim loại này, nhiều nền kinh tế hiện đại sẽ không vận hành được.
Các mỏ đất hiếm tồn tại ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện là quốc gia đang kiểm soát 97% sản lượng toàn cầu và cũng chiếm 60% lượng tiêu thụ. Vì vậy, việc Trung Quốc giảm hạn ngạch xuất khẩu sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho thế giới, đặc biệt là châu Âu bởi lục địa này gần như lệ thuộc 100% vào thị trường thế giới.
Còn nhớ, vào cuối tháng 9/2010, khi quan hệ Trung-Nhật trở nên căng thẳng, người ta thấy Trung Quốc đã tung "chiêu" hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Có vẻ như thứ "vũ khí" này tỏ ra có hiệu quả ngay, khiến Nhật phải vội vàng đi tìm nguồn cung ứng đất hiếm mới. Tiếng chuông báo động cũng được gióng lên tại Mỹ, nơi nhập gần 20% đất hiếm của Trung Quốc, hay tại Hàn Quốc, châu Âu, cụ thể là tại Pháp, thị trường chiếm tới 6% xuất khẩu nguyên liệu Trung Quốc.
Theo Tổng thống Mỹ Barack Obama, chính sách của Trung Quốc đã khiến công ty nước ngoài từ Mỹ, châu Âu, Nhật phải mua đất hiếm với giá cao ngất. Ông nói: "nước Mỹ muốn các công ty của mình sản xuất sản phẩm ngay ở Mỹ, nhưng muốn vậy, họ phải có đất hiếm do Trung Quốc cung cấp".
Châu Âu cũng cáo buộc những chính sách này đã vi phạm quy định thương mại quốc tế và cần phải được gỡ bỏ. "Chính sách của họ đang làm tổn hại đến ngành sản xuất và người tiêu dùng châu Âu và trên thế giới, bao gồm cả những ngành tiên phong như công nghệ cao và công nghệ xanh", Ủy viên thương mại châu Âu Karel De Gucht cho biết.
Đáp trả lại những cáo buộc, Trung Quốc khẳng định họ đã chơi theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm nhằm giúp bảo vệ môi trường. Các mỏ khai thác và tinh lọc đất hiếm tiêu tốn nhiều axit và thải ra môi trường phóng xạ nồng độ thấp.
Trung Quốc cho rằng nước này hiện chỉ kiểm soát 90% sản lượng đất hiếm trên thế giới bởi vì nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ từ lâu đã hạn chế khai thác đất hiếm do những quan ngại về môi trường
"Những cáo buộc nhằm vào những chính sách về hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc là điều vô lý. Nhu cầu của thế giới chỉ bằng 50% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc trong năm 2011", hãng thông tấn Tân Hoa dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Một số tờ báo khác của Trung Quốc còn bình luận, "Mỹ, Nhật muốn sở hữu thứ nguyên liệu quý giá mà chỉ chi ra ít tiền". Họ cũng đưa ra bằng chứng về việc 83% số đất hiếm mà Nhật Bản nhập khẩu là từ Trung Quốc và Nhật đã tích trữ đủ nguồn nguyên liệu này cho 20 năm sau.
Mỹ đã từng có ít nhiều thành công trong việc gia tăng áp lực với Trung Quốc thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới. Gần đây nhất, Mỹ, EU và Mexico đã thắng kiện Trung Quốc tại tòa án của WTO trong vụ kiện tương tự khi cáo buộc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu chín nguyên liệu thô sử dụng phổ biến trong các ngành sản xuất hóa chất, nhôm và thép.
Trung Quốc có 10 ngày để phản ứng với WTO về vụ kiện trên và có 60 ngày để thương thuyết với Mỹ, châu Âu và Nhật. Nếu đàm phán không thành, Mỹ sẽ yêu cầu WTO thành lập một ủy ban giải quyết tranh chấp để phân xử. Vụ việc có thể kéo dài hai năm nếu Trung Quốc kháng án.
Giang Ly (Tổng hợp)