📞

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam bước vào thị trường EEU

00:18 | 31/05/2015
Trước Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU) diễn ra ngày 29/5 tại Kazakhstan, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã chia sẻ với báo chí xoay quanh những thuận lợi, triển vọng của Hiệp định cũng như những chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, một trong những nội dung rất quan trọng của Hiệp định là việc mở cửa đối với thị trường hàng hóa. Theo tinh thần các bên đã thống nhất với nhau, Việt Nam cùng các nước thành viên EEU sẽ mở cửa thị trường hàng hóa cho nhau, với mức độ khoảng 90% tất cả các dòng thuế và 90% kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, thế mạnh hàng hóa riêng của mỗi nước sẽ giúp các bên hỗ trợ lẫn nhau chứ không triệt tiêu nhau trong quá trình thực thi Hiệp định.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, theo cam kết, ngay từ năm đầu tiên khi Hiệp định có hiệu lực, nhiều hàng hóa Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt là thủy sản, nông sản sẽ được hưởng thuế suất bằng 0%. Mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến khác, Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi từ EEU với một lộ trình thuận lợi trong quá trình thực thi Hiệp định. Ngược lại, Việt Nam cũng mở cửa đối với một số hàng hóa của EEU mà các nước này có thế mạnh và Việt Nam đang rất cần như máy móc, thiết bị, lúa mì, sản phẩm sữa.

Trong thời gian tới, việc thực thi Hiệp định nằm ở cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các nước EEU. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, chúng ta ít nhiều có kinh nghiệm trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ký kết một số Hiệp định thương mại tự do với một số đối tác khác.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, thị trường của các nước thành viên EEU có những đặc thù nhất định. Trước hết, đây là một thị trường mới và kinh tế thị trường cũng đang ở giai đoạn ban đầu. Do đó, những thủ tục, quy trình của EEU còn có những phức tạp; các doanh nghiệp Việt Nam phải khắc phục khó khăn này để đưa hàng hóa của Việt Nam vào EEU thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, giao thương, vận tải giữa Việt Nam và thị trường EEU có nhiều khó khăn, khi một số nước thành viên của EEU nằm sâu trong lục địa, không có biển.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lưu ý rằng, thị trường các nước EEU không phải là một thị trường dễ tính. Nhiều sản phẩm hàng hóa người tiêu dùng của EEU không đòi hỏi khắt khe nhưng không có nghĩa là dễ dãi. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, mẫu mã của sản phẩm hàng hóa.

Theo tính toán, sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EEU có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EEU sẽ tăng khoảng 18-20%/năm, cao hơn so với xuất khẩu của các nước EEU vào Việt Nam. Năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và năm nước thành viên EEU khoảng 4 tỷ USD. Dự kiến đến 2020, tổng kim ngạch hai chiều giữa hai bên sẽ đạt tối thiểu là 10 tỷ USD.

Minh Nguyệt (từ Astana, Kazakhstan)