📞

Cơ hội của hai quốc gia Đông Nam Á nếu gia nhập BRICS, Thái Lan không 'chọn phe', lộ diện những ứng viên tiềm năng

Linh Chi 16:48 | 08/07/2024
Malaysia và Thái Lan là những quốc gia mới nhất ở Đông Nam Á bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
BRICS đang thu hút các nước Đông Nam Á. (Nguồn: AP)

Tháng trước, Thái Lan đã gửi yêu cầu trở thành thành viên của BRICS.

Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết trong một cuộc phỏng vấn với cổng thông tin Guancha của Trung Quốc rằng, đất nước của ông sẽ sớm bắt đầu các thủ tục chính thức để gia nhập nhóm.

Piti Srisangam, Giám đốc điều hành của Tổ chức ASEAN Foundation nhận định: “Trở thành thành viên BRICS sẽ mở ra các cơ hội thương mại và đầu tư, vì vậy, câu hỏi đặt ra là ‘tại sao không? Khối này có các thành viên từ khắp nơi trên thế giới, nhưng chưa có thành viên nào từ Đông Nam Á”.

Theo James Chin, giáo sư nghiên cứu về châu Á tại Đại học Tasmania (Australia) thì cho rằng “cả Thái Lan và Malaysia đều được coi là cường quốc bậc trung”. “Sẽ tốt hơn nếu họ tham gia các nhóm như BRICS để có tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế. Tuy vậy, lợi ích chính sẽ là thương mại”, ông nói thêm.

Cơ hội kinh tế to lớn

Đầu năm nay, BRICS (gồm Brazil, Nga , Ấn Độ , Trung Quốc và Nam Phi) đã quyết định mở rộng thành viên gồm: Ai Cập, Ethiopia , Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tên của nhóm mở rộng vẫn chưa được công bố chính thức.

Kết hợp lại, các thành viên của khối chiếm khoảng 45% dân số thế giới - khoảng 3,5 tỷ người.

Theo dữ liệu của Ngân hàng thế giới (WB), nền kinh tế của BRICS trị giá khoảng 30 nghìn tỷ USD (tương đương 28 nghìn tỷ Euro) - khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu.

Ông Rahul Mishra tại Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) cho biết, khối có thể giúp nền kinh tế kỹ thuật số của Malaysia phát triển nhanh hơn bằng cách cho phép nước này hội nhập với các quốc gia có thị trường kỹ thuật số mạnh mẽ và tận dụng các kinh nghiệm tốt nhất từ ​​các thành viên khác.

Trong khi đó, theo ông Rahul Mishra, Thái Lan có thể thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp quan trọng bao gồm dịch vụ, sản xuất và nông nghiệp.

Ông James Chin tin rằng, mối quan hệ thương mại mà Malaysia và Thái Lan hiện có với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến quyết định gia nhập BRICS.

Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 15 năm qua và lớn nhất của Thái Lan trong 11 năm.

Giáo sư James Chin khẳng định: "Việc cả hai quốc gia Đông Nam Á này đều trở thành thành viên BRICS sẽ tăng cường mối quan hệ của họ với Trung Quốc".

Không phải hành động "chọn phe"

Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa nhấn mạnh rằng, Bangkok không coi việc tham gia BRICS là hành động “chọn phe” hay là một cách để đối trọng với bất kỳ khối nào khác.

Ông Maris Sangiampongsa nói: “Chúng tôi có thể đóng vai trò là cầu nối giữa các nước đang phát triển và các thành viên BRICS”.

Ngoài BRICS, Thái Lan nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris (Pháp), nơi có 38 thành viên chủ yếu là phương Tây.

Ông Piti Srisangam nhận định: “Những gì Thái Lan đang làm là hành động cân bằng".

Các quốc gia ASEAN khác sẽ "theo chân"?

Malaysia và Thái Lan không phải là những quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á quan tâm đến việc gia nhập BRICS.

Ông Rahul Mishra cho rằng, có thể một số quốc gia ở khu vực này "theo chân" Malaysia và Thái Lan đăng ký gia nhập BRICS.

Trước hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi năm ngoái, đã có suy đoán rằng, Indonesia - quốc gia G20 duy nhất ở Đông Nam Á hy vọng hoàn tất quá trình gia nhập OECD trong vòng ba năm - có thể trở thành thành viên BRICS.

Nhưng cuối cùng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói với công chúng rằng, chính phủ của ông đã quyết định không gửi thư.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho hay, Jakarta vẫn đang cân nhắc những ưu và nhược điểm của việc trở thành thành viên BRICS.

(theo DW)