📞

Cơ hội để Mỹ Latin bớt phụ thuộc Trung Quốc

11:00 | 11/05/2016
Mỹ Latin cần thúc đẩy cải cách kinh tế, tăng năng suất và mở rộng thương mại nhằm cân bằng quan hệ với Trung Quốc.

Theo tính toán của Ngân hàng phát triển Liên Mỹ (BID), mỗi khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 1%, sẽ kéo theo sự thụt lùi 0,6% GDP của khu vực Mỹ Latin. Trong đó, Brazil và Colombia là hai nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nhất khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy giảm, tiếp theo là Argentina, Peru và Chile. Mexico là quốc gia chịu tác động nhẹ nhất.

Bắc Kinh hiện là đối tác lớn thứ hai của Mỹ Latin.(Nguồn: Es.mercopress)

Trong giai đoạn 2000 - 2014, giá trị trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latin đã tăng tới hơn 20 lần và đạt mức 263,6 tỷ USD vào năm 2014 (theo số liệu của Hải quan Trung Quốc) và Bắc Kinh hiện là đối tác lớn thứ hai của khu vực này.

Tuy nhiên, với tình trạng không ổn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hai hiện nay, các chuyên gia kinh tế của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin & Caribbean của Liên hợp quốc (CEPAL), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng phát triển Mỹ Latin (CAF) cho rằng, chính phủ các quốc gia Mỹ Latin cần thúc đẩy cải cách kinh tế nhằm đạt được sự cân bằng hơn trong quan hệ với Trung Quốc, dựa vào việc tăng năng suất, đổi mới và mở rộng thương mại.

Báo cáo “Triển vọng kinh tế Mỹ Latin 2016: Hướng tới một quan hệ đối tác mới với Trung Quốc” đưa ra nhận định thời điểm hiện tại là một cơ hội tốt để thực hiện các cải cách kinh tế, trong bối cảnh Trung Quốc giảm nhu cầu về nguyên liệu và đối tác châu Á này ngày càng đa dạng hóa đầu tư sang các khu vực và các nền kinh tế khác.

Nền kinh tế Mỹ Latin được dự báo sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình 3% trong những năm tới, thấp hơn so với mong đợi, do chịu những tác động xấu từ việc kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, trong đó trực tiếp là yếu tố Trung Quốc. Chuyên gia Angel Melguizo  - người phụ trách khu vực Mỹ Latin & Caribbean của OECD nhận định, kinh tế Mỹ Latin đã tăng trưởng thấp trong vòng 6 năm qua và điều này sẽ kéo dài hết năm 2017, trái ngược với thời kỳ tăng trưởng hoàng kim trong thập kỷ trước.

Chuyên gia kinh tế Jorge Sicilia của Ngân hàng Tây Ban Nha (BBVA) nhấn mạnh, đã đến lúc Mỹ Latin phải tiến hành ngay công cuộc cải cách kinh tế, bởi quá trình cải cách kinh tế đã bắt đầu diễn ra tại Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc tương lai sẽ giảm tăng trưởng và nhu cầu thương mại để hướng tới sự bền vững. Vì vậy, khu vực Mỹ Latin sẽ không thể tiếp tục mong đợi sự tăng trưởng theo kiểu cũ, khi phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế thứ hai thế giới.