📞

Cơ hội để Mỹ tái khẳng định cam kết tại châu Á - Thái Bình Dương

15:59 | 13/02/2017
Sự thành công của Mỹ tại khu vực không chỉ dựa trên sức mạnh quân sự mà còn dựa trên giá trị và cần được đảm bảo bởi những chính sách ngoại giao khôn khéo.

Đó là khẳng định của các Thượng nghị sĩ Mỹ gồm John McCain (Chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng viện), Marco Rubio, Ben Cardin và Jack Reed trong bài viết đăng tải trên CNN vừa qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Nhà Trắng ngày 10/2. (Nguồn: AP)

Nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Washington, Mỹ đang có cơ hội quan trọng để tái khẳng định cam kết của mình đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Bảo vệ đồng minh

Kể từ sau chiến tranh thế giới, Mỹ và các đồng minh, đối tác đã xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp với những nguyên tắc pháp quyền, con người tự do, thị trường tự do, hàng hải và hàng không rộng mở, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Những ý tưởng đó đã thay đổi vận mệnh của Mỹ theo hướng tốt hơn. Mỹ đã được tiếp cận những nguồn lực giúp cho nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xây dựng một thế giới ổn định, tránh khỏi các cuộc chiến tranh, mở ra một kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng cho châu Á.

Mỹ và các đồng minh đã duy trì và bảo vệ trật tự này vì lợi ích quốc gia của mình. Trong bối cảnh thách thức leo thang, ví dụ như những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, hay nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên, Mỹ phải khẳng định lập trường này một lần nữa. Đó không phải trách nhiệm của riêng Tổng thống Donald Trump, mà còn là công việc của Quốc hội.

Bước đi đầu tiên là khẳng định cam kết rộng rãi của lưỡng đảng đối với việc bảo vệ đồng minh khi lâm nguy. Các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc đã đóng góp nhiều kinh phí cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, Mỹ cần đầu tư nhiều hơn nữa để nâng cấp vị thế, đối phó được với các thách thức. Quân đội Mỹ cũng cần tiếp tục cho máy bay, tàu bè hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Lính Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận. (Nguồn: Daily Mail)

Mở rộng hợp tác

Trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ phải hợp tác với Hàn Quốc để đảm bảo một hệ thống ngăn chặn mở rộng nhiều lớp, bao gồm việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Sự thành công của Mỹ tại khu vực không chỉ dựa trên sức mạnh quân sự mà còn dựa trên giá trị và cần được đảm bảo bởi những chính sách ngoại giao khôn khéo. Mỹ cần hợp tác với các đồng minh để làm sâu sắc và mở rộng các cơ chế đang nổi lên của châu Á, trong đó có ASEAN.

Cuối cùng, Mỹ cần tiếp tục hợp tác kinh tế với châu Á. Năm trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ là ở châu Á, và đây cũng là điểm đến của 1/4 lượng hàng xuất khẩu của Mỹ. Hơn thế nữa, châu Á còn giúp người lao động và doanh nghiệp Mỹ tiếp cận được những thị trường mới, những cơ hội mới. Chính quyền và Quốc hội cần hợp tác để mở cửa các thị trường tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bảo vệ các sáng kiến, phát minh của Mỹ, hỗ trợ công việc và sản xuất của người dân Mỹ. Mỹ cần sẵn sàng đối thoại về đầu tư nước ngoài vào Mỹ, tạo ra việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng sản xuất. 

Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương. Giờ là lúc để hợp tác, không phải để thoái lui, và Quốc hội Mỹ cần sẵn sàng hợp tác với chính quyền để làm điều đó. 

(theo CNN)