📞

Cơ hội tuyệt vời đón chờ người thắng cuộc “Sáng tạo như người Thụy Điển” năm 2019

06:49 | 10/09/2019
TGVN. Ngày 9/9, tại Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi “Sáng tạo như người Thụy Điển”. Đây đã là năm thứ tư cuộc thi được tổ chức dành cho sinh viên Việt Nam.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Måwe phát biểu tại Lễ phát động. (Ảnh: A.B)

"Sáng tạo như người Thụy Điển” khuyến khích sự sáng tạo và tìm ra các giải pháp mang tính sáng tạo để xử lý các thách thức liên quan đến các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) được nêu trong Chương trình nghị sự 2030. Mỗi năm, cuộc thi tập trung vào một mục tiêu cụ thể. Đối với năm 2019, đó sẽ là mục tiêu số 9: Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hoá bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi, Đại sứ Ann Måwe - Đại sứ mới được bổ nhiệm của Thụy Điển bày tỏ niềm vui khi được tham dự sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Thụy Điển và Việt Nam vào tuần thứ hai bà đến Hà Nội.

Nói về chủ đề năm nay, Đại sứ cho rằng, tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp bền vững và tiến bộ công nghệ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và sự bất bình đẳng ngày càng tăng, tăng trưởng bền vững phải bao gồm công nghiệp hóa mà trước hết, tạo cơ hội cho mọi người, và thứ hai, được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng đổi mới.

Đại sứ Måwe cũng đánh giá cao định hướng chiến lược của Việt Nam để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời nhấn mạnh đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố quan trọng đối với Việt Nam trong tiến trình hoàn thành SDGs.

“Việt Nam đã và đang tiến bộ nhanh chóng trong bảng chỉ số này. Năm 2019, Việt Nam được xếp hạng 42 trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng ba vị trí so với năm trước. Với mức thu nhập hiện nay và thực tế là một nền kinh tế khá trẻ, đây là một kết quả đặc biệt tốt. Bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích những ý tưởng sáng tạo, Thụy Điển và Việt Nam có thể hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực này, mang lại lợi ích không chỉ cho người Thụy Điển và người Việt Nam, mà cả thế giới”, Đại sứ nói.

Cuộc thi năm nay được Đại sứ quán Thụy Điển cùng với các công ty Thụy Điển như Electrolux, Ericsson, Volvo, ABB, Hestra, SKF, TetraPak, AtlasCopco, IKEA, Trelleborg, Tundra và Đại học Uppsala tổ chức, nhận được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Tại Lễ phát động, bà Nguyễn Thị Thu Vân - Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng vui mừng khi cuộc thi được tổ chức cho sinh viên Việt Nam. Theo bà, đây là cơ hội quý để các bạn trẻ Việt Nam phát huy khả năng sáng tạo cũng như học hỏi được những kinh nghiệm sáng tạo và đổi mới của Thụy Điển.

Đại học Uppsala là một trong những điểm đến của chủ nhân Giải Nhất Cuộc thi. (Nguồn: StudyinSweden)

Cuộc thi năm nay cũng khuyến khích sinh viên dự thi lập thành các nhóm hai thành viên và sáng kiến của nhóm sẽ được đánh giá theo các tiêu chí tính đổi mới, sáng tạo, khả thi, bền vững và ứng dụng trong cuộc sống cũng như tác động lâu dài của sáng kiến này.

Ban Giám khảo bao gồm đại diện của các công ty Thụy Điển và đại diện trường đại học Thụy Điển tại Việt Nam, mang đến cơ hội tuyệt vời cho các bạn sinh viên đưa ra các giải pháp và ý tưởng sáng tạo của mình cho đại diện của cả khu vực tư nhân và khu vực công tại Việt Nam. Hạn chót gửi bài dự thi là ngày 19/11/2019.

Giải nhất của Cuộc thi là một chuyến đi Thụy Điển tới thăm trụ sở chính các công ty Thụy Điển và trường Đại học Uppsala, giúp cảm nhận năng lượng sáng tạo đổi mới trong môi trường doanh nghiệp cũng như môi trường giáo dục tại Thụy Điển. Các sinh viên đoạt các giải khuyến khích sẽ có cơ hội thực tập tại các công ty Thụy Điển ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đội đoạt giải sẽ nhận được sự tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp của Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Thanh niên, trực thuộc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trung tâm sẽ kết nối các nhóm và đề xuất của họ với các nhà đầu tư tiềm năng nếu khả thi về mặt thương mại.

Một thế kỷ trước, Thụy Điển là một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Âu. Thụy Điển có dân số tương đối nhỏ với 10 triệu người hay 0,13% dân số toàn cầu. Tuy nhiên, ngày nay, Thụy Điển là một nước dẫn đầu thế giới về đổi mới. Một số các chỉ số quốc tế đã được thiết lập nhằm đo lường năng lực của các nước trong việc tạo ra các môi trường khuyến khích đổi mới. Theo các chỉ số này, Thụy Điển là một trong những nơi có tính sáng tạo nhất trên bản đồ toàn cầu.

Innovation Union Scoreboard - một chỉ số của Liên minh châu Âu (EU), xếp Thụy Điển là nước đi đầu về đổi mới trong các quốc gia thành viên EU. Theo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của khoảng 130 quốc gia và nền kinh tế toàn cầu, Thụy Điển là quốc gia sáng tạo thứ hai trên thế giới. Về khởi nghiệp sáng tạo, Thụy Điển cũng đứng thứ hai trên thế giới với thủ đô Stockholm có số lượng công ty công nghệ trị giá tỷ đô cao thứ hai trên thế giới nếu trên đầu người, chỉ sau Thung lũng Silicon.