📞

Cơ hội và thách thức cho M&A cùng lớn

20:06 | 11/06/2009
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong 5 đến 10 năm nữa sẽ có khoảng 30 - 50% doanh nghiệp tại Việt Nam sáp nhập hoặc bị sáp nhập với đối tác khác… đặt ra cơ hội cũng như thách thức lớn đối với hoạt động M&A tại Việt Nam.
M&A tập trung nhiều vào khối tài chính, ngân hàng (ảnh minh hoạ).

M&A tập trung nhiều vào khối tài chính, ngân hàng   Theo số liệu công bố của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers, nếu như năm 2005 mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam mới chỉ có 18 vụ với tổng giá trị là 61 triệu USD thì năm 2006 tăng vọt lên 35 vụ (298,7 triệu USD) còn sang 2007 bùng nổ và đạt kỷ lục với mức 93 vụ (1711,9 triệu USD). Năm 2008, do tình hình kinh tế có nhiều biến động lớn, hoạt động M&A có xu thế giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao với 38 vụ đạt 346,4 triệu USD.   Theo ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho rằng, sở dĩ việc gia tăng mạnh mẽ các vụ M&A trong thời gian vừa qua là do sự tác động từ hai yếu tố.   Thứ nhất, nhu cầu mua tăng cao, điều này đặc biệt rõ trong năm 2006, 2007, trong bối cảnh cam kết WTO có hiệu lực, việc thành lập doanh nghiệp mới gặp rất nhiều rào cản.   Thứ hai, nhu cầu bán tăng cao. Ngược với bối cảnh kinh tế phát triển mạnh mẽ, vào thời điểm kinh tế suy yếu, cộng với việc mở cửa thị trường mạnh mẽ thì rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã không thể đứng vững hoặc chủ động tìm kiếm đối tác để sáp nhập hoặc bị thôn tính thông qua mua lại.   Theo thống kê của các nhà nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn về M&A, trong thời gian qua, hoạt động M&A tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ nhất vẫn là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.   Điển hình, có thể kể đến một số thương vụ lớn như: Daiichi Nhật Bản mua lại toàn bộ Công ty bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh CMG, vụ AZN đầu tư vào Ngân hàng Sacombank và Công ty chứng khoán SSI; HSBC - Techcombank; Dragon Capital đầu tư vào Vinamilk...   Xu hướng M&A trong thời gian tới   Về xu hướng M&A tại Việt Nam trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ có sự “bùng nổ” do nhiều doanh nghiệp khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản và sẽ phải lựa chọn giải pháp bán doanh nghiệp.   Đáng chú ý, PGS - TS. Nguyễn Văn Nam, Viện nghiên cứu thương mại chỉ ra rằng, mặc dù xu hướng M&A phát triển mạnh khi nền kinh tế suy thoái nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể sáp nhập với tập đoàn lớn, bởi không ai dại gì đi mua một doanh nghiệp chỉ có “cái xác”.   Từ trước đến nay, khi nói đến M&A người ta thường nhắc đến các giao dịch có yếu tố nước ngoài và thường là nhà đầu tư chiến lược vào công ty Việt Nam hoặc mua lại công ty Việt Nam.   “Tuy nhiên, trong thời gian tới là các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực hoặc đang có kế hoạch phát triển sẽ mua lại hoặc mua một phần các công ty trong nước” - ông Đặng Xuân Minh, đại diện Avalue Việt Nam nhận định.   Các vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đang diễn ra ngày càng nhiều, đó cũng là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả các thương vụ M&A còn nhiều hạn chế.   Đại diện doanh nghiệp, TS Lê Xuân Vệ (tập đoàn dầu khí Việt Nam) chỉ ra nguyên nhân đó là: Việc tìm kiếm đối tác gặp nhiều khó khăn; các công ty trung gian môi giới cho các bên trong hoạt động M&A cũng có nhiều hạn chế về hệ thống luật, nhân sự, tính chuyên nghiệp, cơ sở dữ liệu, thông tin…   “Bởi vậy để hoạt động M&A phát triển, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải cập nhật kiến thức, chuẩn bị đội ngũ trung gian với trình độ cao, cơ sở dữ liệu đầy đủ, nhằm đáp ứng dịch vụ chất lượng cao cho các bên” - TS Vệ nói.Theo Dân trí