📞

Cơ hội Việt Nam trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ là rất lớn  

11:50 | 29/05/2019
Ngày 7/6 tới, khóa họp thứ 73 Đại Hội Đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) sẽ tổ chức bỏ phiếu cho 5 vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA LHQ), trong đó có một vị trí cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương và hiện Việt Nam là ứng cử viên duy nhất đại diện cho nhóm này.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý

Nhân dịp này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý đã trả lời phỏng vấn báo chí về những cơ hội, thách thức của Việt Nam khi chỉ còn hơn một tuần nữa tới ngày bỏ phiếu cũng như những việc cấp thiết Việt Nam sẽ phải tiến hành ngay nếu trúng cử và trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ hai năm 2020-2021 kể từ ngày 1/1/2020.

Đại sứ đánh giá như thế nào về cơ hội của Việt Nam trong đợt bỏ phiếu vào Hội đồng Bảo an sắp tới?

Có thể nói cho tới thời điểm này, chúng ta đã có được cam kết ủng hộ của nhiều nước và vẫn còn một số nước chưa có ý kiến. Với quy định của Hội đồng Bỏ phiếu của HĐBA, chỉ cần được 2/3 số phiếu ủng hộ là trúng cử, nên xét trên góc độ số lượng đã cam kết, chúng ta có cơ sở để dự báo khả năng trúng cử là rất cao.

Tuy nhiên, việc vận động những nước đã đồng ý ủng hộ và vận động những nước hiện chưa có ý kiến sẽ có mặt tại hôm bỏ phiếu và ủng hộ chúng ta là việc rất quan trọng. Bởi đó không đơn giản là một lá phiếu mà điều đó thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Việt Nam trong hai năm tới nếu chúng ta trúng cử vào HĐBA, cũng như thể hiện sự ủng hộ của họ đối với Việt Nam cả sau này khi chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ ở HĐBA. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng.

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến ngày bỏ phiếu để Việt Nam có cơ hội trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA, theo ông chúng ta còn những thử thách nào cần phải vượt qua?

Thử thách thứ nhất là làm sao để những nước đã đồng ý ủng hộ cho ta sẽ cam kết chắc chắn bằng văn bản. Thứ hai là làm sao để các nước chưa trả lời rõ ràng sẽ có câu trả lời chính thức ủng hộ chúng ta. Đối với hai thử thách này, chúng ta cũng đã có những bước đi cụ thể.

Hiện tại, chúng ta đang tiếp tục tiến hành vận động ở tất cả các cấp, kể cả cấp cao và phái đoàn Việt Nam tại LHQ cũng tiến hành các hoạt động vận động nước rút.

Đối với riêng Phái đoàn chúng tôi, chúng tôi tiếp tục gặp gỡ tất cả các phái đoàn còn lại để làm sao những nước chưa ủng hộ ta hoặc chưa có quyết định rõ ràng, hôm tới sẽ ra bỏ phiếu và ủng hộ chúng ta. Đây là một thử thách vì kinh nghiệm những năm gần đây cho thấy, năm nào cũng có một số nước không đi bầu hoặc không bầu cho ai cả dù đối tượng được bầu đó là không có cạnh tranh. Đó là những thử thách mà chúng tôi quyết tâm phải vượt qua để Việt Nam có thể trúng cử với số phiếu cao nhất.

Mục tiêu là tất cả các nước tham gia bầu cử và ủng hộ cho ta bởi Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu dài, có kinh nghiệm là thành viên của HĐBA từ nhiệm kỳ trước, và cũng để cộng đồng quốc tế thấy rằng ta là một đối tác có trách nhiệm, có đầy đủ năng lực, đồng thời cũng là một người bạn rất thủy chung, khi ở trong HĐBA cũng như khi không còn ở HĐBA vẫn như vậy, đã nói là làm, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. Tôi nghĩ chắc chắn họ sẽ bầu cho chúng ta bởi hiện chúng ta là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và không có đối thủ.

Theo Đại sứ, nếu Việt Nam trúng cử, có những công việc gì cấp thiết đòi hỏi chúng ta phải tiến hành ngay?

Chúng ta sẽ có khoảng 6 tháng để chuẩn bị bởi theo lịch của HĐBA, nếu trúng cử, chúng ta sẽ ngồi ghế Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng 1/2020. Như vậy, thời gian chuẩn bị cho việc đảm nhiệm ghế Chủ tịch này phải bắt đầu từ khoảng tháng 11 và tháng 12/2019.

Việc phải làm đầu tiên ngay sau khi trúng cử sẽ là kiện toàn bộ máy tổ chức ở phái đoàn Việt Nam tại LHQ cũng như bộ máy ngoại giao ở thủ đô Hà Nội để làm sao cả hai đầu có các kênh phối hợp chặt chẽ, có sự phân cấp trong từng vấn đề một bởi vì các diễn biến ở HĐBA rất nhanh và cần phải ra các quyết định đúng thời điểm, kịp thời.

Việc thứ hai, khó hơn, là việc chuẩn bị các ý tưởng về các vấn đề Việt Nam sẽ theo đuổi, sẽ quan tâm để làm sao cũng trúng với những vấn đề thế giới quan tâm và đồng thời cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của HĐBA.

Hiện Việt Nam cũng đã nghiên cứu, tập trung tìm hiểu, nhưng còn phải chuẩn bị rất nhiều để có thể làm đúng, làm trúng những vấn đề đó.

(theo TTXVN)