📞

Có 'khách sộp', doanh thu xuất khẩu dầu vẫn tăng đều, đây là cách Nga kiếm bộn tiền từ ‘tác dụng phụ’ của lệnh trừng phạt

Hải An 08:29 | 01/06/2023
Các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đối với dầu của Nga không đạt mục tiêu và cũng không có cơ sở để tin rằng những “đòn” trừng phạt mới sẽ hiệu quả hơn trong việc hạn chế doanh thu từ năng lượng của Moscow.
Chỉ trong một vài tháng, Nga đã xoay sở để thiết kế lại các mô hình thương mại dầu mỏ toàn cầu đã tồn tại hàng thập niên. Ảnh: Cảng Kozmino ở vùng Viễn Đông Nga. (Nguồn: nhk-maritime.com)

Theo tác giả Kieran Thompson trong bài viết mới đây trên hinrichfoundation.com, các cơ quan giám sát giá dường như đã thất bại trong việc thích ứng với một thị trường mà dầu của Nga không còn được bán thông qua các kênh truyền thống. Có vẻ các cảng Kozmino và Primorsk của nước này là những địa điểm chính để đưa hàng đi Trung Quốc và Ấn Độ, với giá cao hơn mức giá trần của phương Tây.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022), các nước phương Tây và đồng minh đã áp đặt lên Moscow một loạt biện pháp trừng phạt năng lượng chưa từng có. Mặc dù vậy, Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ra thế giới, thu về một nguồn doanh thu lớn.

Bất chấp xung đột, dầu mỏ và khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy qua các đường ống trung chuyển ở Ukraine. Theo hợp đồng, Nga có nghĩa vụ vận chuyển hơn 40 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và khoảng 300.000 thùng dầu mỗi ngày cho các nước châu Âu qua quốc gia láng giềng Đông Âu. Trong bối cảnh đó, các biện pháp trừng phạt đã được Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ thiết kế nhằm vào Moscow.

Tuy nhiên đến nay, các biện pháp trừng phạt không đạt được mục tiêu như phương Tây mong muốn và cũng chưa có cơ sở gì để tin rằng, các lệnh trừng phạt mới sẽ hiệu quả hơn trong việc hạn chế doanh thu từ năng lượng của Nga.

Kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine, EU, Mỹ và các quốc gia đồng minh đã đưa ra một số gói trừng phạt nhằm hạn chế cả giá và khối lượng xuất khẩu dầu của Nga.

Tính đến nay, đã có tổng cộng 6 gói trừng phạt liên quan tới xuất khẩu dầu, nổi bật nhất là việc áp giá trần. Được thực hiện vào tháng 12/2022, EU, cùng với Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Australia, đã đưa ra mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.

Theo đó, cấm các quốc gia ký kết cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm và tài chính cho dầu của Nga nếu nó được bán trên mức giá trần.

Doanh thu vẫn tăng

Cơ chế giá trần chắc chắn đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của Điện Kremlin. Tuy nhiên, nó đã thất bại trong việc hạn chế khả năng cung cấp tài chính cho chiến dịch của Nga ở Ukraine.

Mức trần giá ban đầu dường như có hiệu quả trong việc giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga, vốn đã giảm gần 1/3 trong quý đầu tiên của năm 2023 so với quý cuối cùng của năm 2022. Khi bắt đầu áp dụng mức trần, dầu Brent được giao dịch ở mức trên 80 USD/thùng. Người ta tin rằng, Điện Kremlin sẽ bị giảm đáng kể doanh thu vì họ buộc phải chấp nhận giảm giá.

Phân tích dựa trên dữ liệu chính thức của Nga cho thấy, 3/4 doanh số bán hàng sụt giảm trong giai đoạn này có thể liên quan trực tiếp đến các hạn chế của phương Tây. Trong quý đầu tiên của năm 2023, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận thấy, khoản giảm giá này trực tiếp dẫn đến doanh thu từ dầu mỏ của Nga giảm 5,2 tỷ USD do chênh lệch giá dầu Nga so với dầu Brent ngày càng lớn.

Tổng doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm từ 54,5 tỷ USD trong ba tháng cuối năm 2022 xuống còn 38,8 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm 2023.

Tuy nhiên, mức giá trần đang bị lách. IEA tính toán rằng, giá bình quân đối với dầu thô xuất khẩu của Nga một lần nữa tăng lên trên mức trần 60 USD/thùng vào tháng 4/2023.

Cảng Kozmino ở vùng Viễn Đông Nga dường như là địa điểm chính cho hoạt động này. IEA đã phát hiện rằng, 95% khối lượng dầu xuất khẩu từ cảng Kozmino vi phạm giá trần. Trong khi đó, Trung Quốc mua hỗn hợp dầu thô cao cấp của Nga từ cảng Kozmino với giá trung bình 71,8 USD/thùng.

Giới phân tích nhận định, việc có quá ít dữ liệu đáng tin cậy càng làm phức tạp thêm khả năng giám sát tác động của giá trần.

Các cơ quan giám sát giá dầu đã thất bại trong việc thích ứng với một thị trường mà dầu của Nga không còn được bán thông qua các kênh truyền thống và dễ dàng giám sát.

Trong khi các nhà tinh chế dầu mỏ phương Tây và thương nhân thường chia sẻ dữ liệu với các cơ quan giám sát giá, thì các thương nhân Ấn Độ - một khách hàng lớn khác của dầu thô Nga - lại không làm điều này. Điều tương tự cũng đến từ các thương nhân Trung Quốc.

Giá cước vận chuyển dầu của Nga đến châu Á được đàm phán riêng. Kết quả là những tính toán về chiết khấu mà các quan chức phương Tây viện dẫn để ủng hộ mức giá trần là không chính xác và có thể bị phóng đại.

Hơn nữa, các quốc gia và công ty có lợi ích liên quan cũng duy trì nhận định rằng, giá dầu của Nga thấp hơn. Đó là bởi Điện Kremlin muốn tiếp tục có doanh thu cao hơn trong khi các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ và Trung Quốc muốn duy trì nguồn cung đa dạng và đáng tin cậy.

Định hình lại thị trường

Sự nổi lên của Ấn Độ và Trung Quốc với tư cách là những khách hàng lớn mua dầu của Nga là “tác dụng phụ” mạnh nhất của các gói trừng phạt.

IEA tính toán rằng, giá bình quân đối với dầu thô xuất khẩu của Nga một lần nữa tăng lên trên mức trần 60 USD/thùng vào tháng 4/2023. (Nguồn: Rappler)

Vì dầu mỏ là loại hàng hóa có tính thay thế cao, các nhà xuất khẩu của Nga đã nhanh chóng xoay trục sang châu Á để bán lượng hàng bị châu Âu từ chối. Các quốc gia châu Âu trước đây là những người mua chiếm ưu thế, phần lớn đã bị thay thế bởi Trung Quốc và Ấn Độ. Thống kê cho thấy, trong quý đầu tiên của năm 2023, hai quốc gia châu Á chiếm gần 75% lượng dầu xuất khẩu của Nga, so với chỉ 26% vào năm 2021.

Chỉ trong một vài tháng, Điện Kremlin đã xoay sở để thiết kế lại các mô hình thương mại dầu mỏ toàn cầu đã tồn tại hàng thập niên. Để thực hiện chính sách xoay trục này, Nga đã sử dụng thành công các chiến lược được hoàn thiện bởi Iran và Venezuela - hai quốc gia cũng phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt tương đương. Chúng bao gồm việc tạo ra một hạm đội “tàu ma” không bị cản trở bởi các biện pháp trừng phạt, chấp nhận thanh toán tiền dầu bằng đồng Nhân dân tệ và Ruble thay vì USD.

Nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ Nga đã tăng gấp 16 lần kể từ khi bắt đầu xung đột, lên mức trung bình 1,6 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 12/2022. Trong khi đó, Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi lượng dầu nhập khẩu của Nga kể từ tháng 2/2022 và Nga đã vượt Saudi Arabia trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất sang nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trước xung đột, cảng Primorsk của Nga trên biển Baltic xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu. Hiện nay, các tàu chở dầu của cảng đi nửa vòng Trái đất để đến Ấn Độ.

Các nhà máy lọc dầu tại quốc gia Nam Á này đã tìm cách tận dụng mức giá trần và dẫn đến việc giảm khả năng tiếp cận thị trường đối với dầu mỏ của Nga. Các báo cáo cho thấy, Ấn Độ đã thúc đẩy các cuộc mặc cả “cứng rắn” với các nhà cung cấp của Nga, dường như chỉ trả 43,90 USD/thùng trong quý đầu tiên của năm 2023.

Tuy nhiên, ngay cả mức giá này cũng không rõ ràng và không có khả năng phản ánh số tiền thực đã thanh toán.

Sử dụng dữ liệu hải quan của Ấn Độ, ông Sergey Vakulenko, một học giả về năng lượng tại Tổ chức Hòa bình quốc tế Carnegie, đã chỉ ra rằng, các nhà nhập khẩu dầu thô Nga ở Ấn Độ đã trả gần như mức giá tương đương với giá dầu Brent. Theo ông Vakulenko, lý do là bởi một phần của giá chiết khấu (được niêm yết đối với dầu Urals) bị các nhà xuất khẩu và trung gian của Nga bỏ túi. Phần lớn doanh thu này có khả năng quay trở lại Điện Kremlin.

Tương tự, doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu sang Trung Quốc cũng được giữ bí mật.

Rõ ràng, biện pháp áp giá trần đã không thành công trong việc giảm doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga đến mức có tác động đến chiến dịch của nước này tại Ukraine.

hinrichfoundation.com