Maradona tự nhận rằng mình đã sử dụng "Bàn tay của Chúa" để ghi bàn vào lưới đội tuyển Anh. (Nguồn: Getty) |
"Vụ trộm thế kỷ" - báo giới Argentina đã gọi như vậy sau khi chứng kiến thất bại cay đắng trước đội tuyển Anh ở World Cup 1966. Những người dân xứ Tango cho rằng trọng tài đã tiếp tay cho bàn thắng trong thế việt vị của Geoff Hurst.
Nhưng có chi tiết còn hấp dẫn hơn thế. Đội trưởng của Antonio Rattin đã bị đuổi khỏi sân sau pha phạm lỗi thô bạo. Vấn đề là ông không rời sân. Trong cơn ức chế, thủ quân của đội tuyển xứ Tango đã từ chối rời khỏi sân, tới mức cảnh sát đã phải áp giải ông khỏi sân. Sau trận đấu, HLV đội tuyển Anh, Alf Ramsey đã gọi Antonio Rattin là "súc vật".
Tròn 20 năm, cũng tại vòng tứ kết, những người Argentina đã tạo nên vụ trộm khác, mà tới tận bây giờ, xứ Sương mù vẫn không buông tha cho "kẻ trộm" ấy. Người đó không ai khác chính là Diego Maradona.
Từ pha phá bóng về của hậu vệ đội tuyển Anh, Maradona nhảy lên tranh bóng với thủ thành Peter Shilton. Và ông đã chiến thắng, ngay cả khi người gác đền huyền thoại của Tam Sư sử dụng đôi tay.
Hai trọng tài Ali Bin Nasser (trọng tài chính) và Bogdan Dochev (trọng tài biên) đều có góc quá thuận lợi để quan sát tình huống ấy. Nhưng cả hai ông, cũng như nhiều người hâm mộ ở thời điểm ấy đã bị... lừa dối.
Mãi tới sau đó, khi những bức ảnh hay đoạn clip về bàn tay của Maradona được công bố, tất cả mới ngỡ ra. Đôi bàn tay tinh quái và đầy nhanh nhẹn của "Cậu bé vàng" đã đánh lừa và tạo nên lịch sử. Có thể hiểu cho việc công nghệ thời điểm ấy quá thô sơ nhưng việc các trọng tài không thể quan sát được vào mắt thường đã cho thấy Maradona "ra chiêu" tốt tới chừng nào.
Sau này, khi được hỏi bàn thắng tranh cãi ấy, "Cậu bé vàng" ngạo nghễ trả lời: "Bàn thắng đó tới từ chút đầu óc của Maradona và một bàn tay của Chúa". Một câu trả lời "chất lừ", đúng như con người của ông. Tới năm 2005, Maradona nói thẳng trên truyền hình rằng ông cố tính dùng tay đưa bóng vào lưới đội tuyển Anh.
Chẳng hề có chút trốn tránh nào, mà thậm chí, ông tự so sánh mình với "Chúa". Cụm từ "Bàn tay của Chúa" được báo chí sử dụng rộng rãi từ đó.
Trong tâm sự trên truyền hình vào năm 2015, Maradona đã lên tiếng cảm ơn thế giới bóng đá đã mang tới cho mình sự tự do và được "với tay lên bầu trời". Phải chăng, "Bàn tay của Chúa" chính là sự hiện thân cho sự tự do, hoang dã ấy mà "Cậu bé vàng" luôn theo đuổi trong suốt sự nghiệp?
Tới tận ngày Maradona nhắm mắt tạm biệt cõi trần thế, rất nhiều tờ báo Anh đã sử dụng từ "Bàn tay của Chúa" như sự hận thù. Thậm chí, tờ Daily Star còn từ biệt ông bằng dòng tít: "VAR ở đâu khi chúng tôi cần". Huyền thoại Peter Shilton thì vẫn chưa nuốt trôi tâm trạng bực tức.
Nhưng Maradona luôn là vậy! Chưa bao giờ ông quan tâm tới những luận điểm như thế. Chủ nghĩa tự do, hoang dã đã hun đúc nên "Thiên thần và ác quỷ" ngự trị trong con người của ông. Và ngay cả có thù ghét thì chẳng ai có thể phủ nhận những giá trị mà Maradona mang lại.
Chẳng có sự gian dối nào lại được tôn vinh như "Bày tay của Chúa". Người ta thích Maradona không chỉ vì ông đã đánh lừa tất cả bằng sự tinh quái mà còn yêu mến ông bằng tư tưởng tự do, khoáng đạt.
"Genio! Genio! Genio! Ta-ta-ta-ta-ta-ta y Gooooooool… Golaaaazoooo!" (Genio có nghĩa là thiên tài) - Victor Hugo Morales, bình luận viên đài Radio Argentina, đã hét lên như vậy sau khi chứng kiến siêu phẩm solo qua hàng loạt cầu thủ Anh của Maradona chỉ 4 phút sau bàn thắng đầy tranh cãi trước đó.
Tờ Sky Sport bình luận: "Nếu cần hiểu rõ về con người Argentina chỉ cần theo dõi 4 phút trong trận đấu với đội tuyển Anh ở World Cup 1986". Trái ngược với bàn thắng tranh cãi trước đó, ngay cả những người Anh cũng phả ngã mũ vì khoảnh khắc của "Chúa trời" hiện thân vào Mardona ở bàn thắng đẹp nhất lịch sử World Cup.
Maradona đã sống một cuộc đời đặc biệt. Dùng bóng đá để kể lại câu chuyện đời mình. Và ngày ông lìa xa cõi đời, những người hâm mộ cũng dành cho ông một sự đối xử đặc biệt. Có lẽ, sau này, chẳng có cầu thủ bóng đá nào tạo nên tầm ảnh hưởng lớn như vậy.