📞

Cổ phần hóa lại hụt hơi

09:39 | 08/12/2008
Lại thêm một năm hoạt động cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không đạt kế hoạch, tỷ lệ thực hiện được quá thấp. Xem ra, mục tiêu CPH 1.500 DN đến năm 2010 khó thành hiện thực, nếu không có những giải pháp đột phá.
Lại thêm một năm hoạt động cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không đạt kế hoạch, tỷ lệ thực hiện được quá thấp. Xem ra, mục tiêu CPH 1.500 DN đến năm 2010 khó thành hiện thực, nếu không có những giải pháp đột phá.  

Lo cho cổ phần hóa

 

Theo số liệu Bộ Tài chính công bố tại Hội nghị ngành, trong 11 tháng đầu năm 2008, cả nước đã sắp xếp được 121 DN, trong đó CPH 73 DN và bộ phận DN; các hình thức khác (giao, bán, giải thể, phá sản, chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn) 45 DN (chiếm 40%). Như vậy, kết quả CPH năm nay chỉ đạt được 73/262 DN, đạt 28% kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt trước đó.

 

Nguyên do được giải thích chung là do bối cảnh tình hình nền kinh tế có nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán có nhiều biến động bất lợi. Bộ Tài chính còn cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch CPH năm 2008, Bộ đã phối hợp với các bộ ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, hỗ trợ giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư, xử lý khó khăn về tài chính cho các DN trong quá trình sắp xếp… nhưng vẫn không thể đẩy nhanh được tiến độ chung.

 

Không chỉ trong năm 2008, trong cả năm 2007 cũng chỉ sắp xếp, CPH được 116 DNNN, đạt 21% so với kế hoạch. Theo báo cáo mới đây của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong giai đoạn 2008-2010, Chính phủ sẽ tiếp tục phải sắp xếp 1.535 DN, trong đó CPH 948 DN. Với “thất thu” của năm 2008, hai năm còn lại sẽ phải “gánh vác” trên 800 trường hợp nếu muốn hoàn thành kế hoạch. 

 

Vẫn là vấn đề nhận thức và quản lý

 

Điểm lại 1 năm CPH, vẫn biết rằng các tập đoàn và tổng công ty trong diện CPH đều là những DN có quy mô lớn, mô hình tổ chức hoạt động phức tạp hơn DN khác. Nhiều DN đã hoãn kế hoạch CPH và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để tránh rủi ro khi thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm, lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao.

 

Trên thực tế, ngoài Tập đoàn Dệt may Việt Nam chính thức xin lùi thời hạn CPH sang năm 2009, mới đây, nhiều DN lớn khác như VietinBank, VMS Mobifone, Vinaphone, Vietnam Airlines cũng để ngỏ khả năng dời việc hoàn tất CPH sang năm 2009.

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vấn đề nhận thức, quản lý và phương thức CPH nổi lên những điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế. Có thể nói vướng mắc trước tiên là sự lúng túng trong tư duy kinh tế. Tiến độ CPH khó mà nhanh được, nếu phần trăm tỷ lệ sở hữu Nhà nước và tư nhân vẫn còn giằng co. Trên thực tế, thông tin về tỷ lệ phần vốn Nhà nước trong các DN đã CPH rất thiếu.

 

Không dừng ở đó, để kiểm soát vai trò hoạt động của DNCP, việc vẫn duy trì cơ chế cơ quan chủ quản đã đi ngược với mong muốn các công ty. Sau khi CPH sự năng động, tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, vô hình chung đã bị trói chặt vào sự quản lý của các cơ quan chủ quản. Điều đó đương nhiên ảnh hưởng tới những chủ trương, chính sách ban hành cho các DN. Cơ chế quản lý kiểu “xin - cho” vì thế vẫn tồn tại trên thực tế.

 

 Rõ ràng hiện nay các DN CP không chỉ chịu sự quy định của Luật DN mà còn chịu sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan chủ quản, một “bộ luật thứ hai”, tạo ra sự thiếu minh bạch trong kê khai tài chính, tạo ra sự rối rắm trong quản lý và rất khó quy kết trách nhiệm cá nhân… và kết quả là hạn chế hiệu quả hoạt động của DN.

 

Lãnh đạo DN không có quyền quyết định tiến hành việc CPH mà phải xin ý kiến các cơ quan chủ quản cấp trên. Đối với việc CPH các công ty thành viên thuộc một tổng công ty thì tình hình tài chính rất không rõ ràng. Vấn đề tài chính của các DN này thường do các cơ quan chủ quản quản lý và đây chính là cái khó cho việc kiểm toán, kiểm tra – tạo ra một lỗ hổng tài chính lớn.

 

Phương thức CPH của DN VN hiện cũng ngược với quy trình quốc tế. Ở nước ngoài, một tổ chức tư vấn được lựa chọn sẽ có trách nhiệm nghiên cứu về tình hình hoạt động cũng như tiềm năng của công ty định CPH để tư vấn cho công ty đó nên bán bao nhiêu CP ra thị trường và giá bán nên ở mức nào. Ở VN, các tổ chức phát hành đưa một lượng CP ra chào bán rộng rãi trên thị trường theo hình thức đấu giá. Nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức tham gia vào bỏ giá sẽ giành mua cho được CP của công ty đó và như vậy đẩy giá CP đó lên cao. Sau đó tổ chức phát hành lại lấy giá bình quân trúng thầu làm căn cứ bán cho cổ đông chiến lược. Từ đây dễ nảy sinh các tiêu cực trong việc bỏ thầu.

 

An Sinh