Cổ phiếu ngân hàng đặc biệt thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. (Nguồn: SHB) |
Chẳng hạn phiên 11/3, VN-Index tăng hơn 11 điểm, trong top 10 cổ phiếu đóng góp chính vào mức tăng của chỉ số, nhóm ngân hàng đóng góp tới 6 gương mặt. Trong đó, cổ phiếu BID của BIDV tăng 3,1% và là cổ phiếu kéo VN-Index tăng nhiều nhất.
Hay như phiên ngày 16/3/2021, nhờ giao dịch sôi động của cổ phiếu SHB, sàn HNX cũng ghi nhận một phiên giao dịch đột phá với thanh khoản lên tới 2.668 tỷ đồng và duy trì được sắc xanh.
Từ nhà đầu tư nội
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK BIDV (BSC) đánh giá triển vọng tích cực với nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2021.
BSC cho rằng, năm 2021 các ngân hàng sẽ tập trung gia tăng hiệu quả hoạt động thông qua quản lý tốt chi phí hoạt động và chi phí tín dụng. Từ đó giúp tăng lợi nhuận toàn ngành. BSC dự báo tổng thu nhập hoạt động toàn ngành Ngân hàng có thể tăng trưởng 12,7% trong năm 2021.
Mặt bằng lãi suất năm 2021 được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Việc giữ vững mặt bằng lãi suất hiện tại sẽ giúp hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thêm nguồn vốn để phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2021.
BSC cho rằng, tăng trưởng tín dụng ở mức 14% trong năm 2021 sẽ đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành...
Một yếu tố nữa được nhắc đến gần đây có thể tạo sức hút đối với nhà đầu tư với cổ phiếu ngân hàng đó là tỷ lệ chia cổ tức. Liên tục trong thời gian qua các ngân hàng thông báo chốt lịch đại hội cổ đông thường niên 2021 để thông qua kế hoạch chia cổ tức và cổ phiếu thưởng để tăng vốn như: VIB dự kiến chia 40% cổ phiếu thưởng; OCB dự kiến chia 25% cổ tức bằng cổ phiếu.
Đây cũng là tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu của ACB. SHB cũng dự kiến sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu…
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện tại các nhà đầu tư thích chia cổ tức bằng cổ phiếu hơn là tiền mặt bởi giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức hấp dẫn. Các nhà đầu tư quan tâm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng không chỉ vì giá hiện tại mà họ còn quan tâm đến triển vọng kinh doanh của ngân hàng.
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ vừa an toàn mà vẫn mang lại lợi nhuận đáp ứng nhu cầu nhiều nhà đầu tư khuyến khích họ nắm giữ cổ phiếu này.
...cho đến các quỹ ngoại
Không chỉ các nhà đầu tư nội ưa thích cổ phiếu ngân hàng, mà nhiều quỹ ngoại cũng lựa chọn đầu tư vì đáp ứng được nhiều tiêu chí an toàn tài chính và luôn nằm trong top nhóm ngành kinh doanh tốt nhất trên thị trường.
Mới đây, trong Báo cáo “Vietnam-Asia’s New Success Story”, PYN Elite Fund cho biết, quỹ này đã tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng trong danh mục lên gần 40%.
Ngoài triển vọng tích cực của ngành, cơ sở để quỹ này nâng tỷ trọng đầu tư nhóm cổ phiếu ngân hàng Việt Nam, đó là các yếu tố vĩ mô thuận lợi như tăng trưởng GDP ở mức cao, mức định giá của thị trường còn hấp dẫn so với các nước trong khu vực và tiềm năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi, VN-Index hoàn toàn có thể tăng lên mức 1.800 điểm vào năm 2022.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh trở lại từ mức đáy từ tháng 3 năm ngoái, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tích cực. Năm 2020, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tại Việt Nam gấp đôi so với năm 2019.
Việc các quỹ đầu tư trong và ngoài nước liên tục đổ vào thị trường khiến khối lượng giao dịch của chứng khoán Việt Nam tăng lên mức cao kỷ lục. Sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân ngày càng nhiều khiến mức biến động của thị trường cũng tăng cao.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, so sánh các yếu tố cơ bản và vị thế giá cổ phiếu tại các nước Đông Nam Á, thị trường chứng khoán Việt Nam là tương đối rẻ, nhiều tổ chức ngân hàng đầu tư lớn khuyến nghị mua vào.
Ngoài việc hưởng lợi từ tăng trưởng cơ bản, dòng vốn và các ưu đãi chính sách, thành công của công tác phòng chống dịch cũng là ưu thế riêng của Việt Nam.