Tham gia sự kiện còn có đông đảo Đại sứ, cán bộ, nhân viên từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Phi.
Một số đại biểu tham dự buổi giao lưu nói chuyện trực tuyến với nhà thơ Trần Đăng Khoa về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5. |
Tại buổi nói chuyện, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá cao sáng kiến của Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc về việc tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề này. Đây là một dịp để ôn lại những câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trao đổi thảo luận và cùng nhau tìm hiểu về Bác.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại những câu chuyện giản dị về Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hoá của đất nước và thế giới, một Lãnh tụ vĩ đại, một nhà thơ lớn và một Nhà ngoại giao đặc biệt của dân tộc Việt Nam.
Nhà thơ cho biết những câu chuyện về Người là đề tài, chủ đề sáng tác cho nhiều loại hình văn học nghệ thuật của Việt Nam và thế giới như văn, thơ, kịch, điêu khắc và phim ảnh. Chẳng có ai có thể khẳng định là mình có thể hiểu được hết về Bác Hồ, một con người đặc biệt có đầy đủ các “bí kíp” mang lại thắng lợi cho dân tộc Việt Nam. Bác Hồ là một con người giản dị, có tầm nhìn rất xa như việc nhìn trước được 4 năm Ngày thành công của cách mạng năm 1945 hay 15 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sự quan tâm, luôn hướng đến những người lao động nghèo của Bác được nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ qua câu chuyện Bác đến thăm gia đình một chị gánh nước thuê, nghèo nhất ở Hà Nội mà không báo trước trong ngày 30 Tết cuối cùng trong cuộc đời Bác.
Bác hy sinh, phục vụ đất nước, người dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam nên Người không có bất kỳ một “tài sản” nào trên cuộc đời này. Đặc biệt, Bác rất giỏi về sử dụng người và những cá nhân được Bác sử dụng đều đã trở thành những nhân vật lịch sử.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, mỗi người chúng ta học được ở Bác Hồ rất nhiều, từ đó mỗi tác phẩm văn thơ viết về Bác đều rất sâu sắc, mà tiêu biểu là nhà thơ Tố Hữu, người đã tạo nên một “bức tranh toàn cảnh” về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong buổi nói chuyện trực tuyến về Bác Hồ tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Trong phần thảo luận, các đại biểu chia sẻ cảm nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt một số câu hỏi với diễn giả. Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ cảm giác “rất thật” khi nghe hai bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa về Bác. Đại sứ cho biết ngành Ngoại giao lâu nay chủ yếu nghiên cứu về Bác Hồ liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, những câu chuyện hôm nay của nhà thơ chia sẻ về Bác ở một góc độ khác, rất bổ ích.
Đại sứ Phạm Cao Phong tại Canada, Đại sứ Vũ Viết Dũng tại Saudi Arabia, Đại sứ Trần Việt Thái tại Malaysia, Đại sứ Lê Huy Hoàng tại Mozambique, Phó Tổng Lãnh sự Hoàng Hữu Anh tại San Francisco chia sẻ cảm nghĩ về Bác và đặt một số câu hỏi về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phát biểu kết thúc sự kiện, Đại sứ Đặng Đình Quý cảm ơn những chia sẻ về Bác Hồ rất tình cảm, sống động của nhà thơ Trần Đăng Khoa cho các cán bộ, nhân viên các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Buổi giao lưu rất có giá trị về thông tin, thực tiễn và nghệ thuật, làm giàu thêm cẩm nang đối ngoại của các nhà ngoại giao Việt Nam và các cán bộ Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong các hoạt động tiếp xúc đối ngoại, giới thiệu, quảng bá về Việt Nam, trong đó có những tư tưởng, tầm nhìn lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Buổi nói chuyện làm giàu thêm cẩm nang đối ngoại của các nhà ngoại giao Việt Nam và các cán bộ Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: Trung Hiếu) |