📞

Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: Điểm tựa của người Việt xa xứ

HÀ ANH 09:00 | 08/01/2024
Không đơn thuần kết nối bằng đường dây nóng, sự hiện diện, quan tâm, chia sẻ kịp thời của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chính là một điểm tựa của bà con người Việt, trong lúc an nguy và gặp hoàn cảnh khó khăn…
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary đón bà con Ukraine lánh nạn, tháng 3/2022. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary)

Những ngày lánh nạn ấm áp

Với người Việt ở Ukraine phải đi lánh nạn khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, tình cảm và sự quan tâm ấm áp của các Cơ quan đại diện và cộng đồng đã giúp họ vững niềm tin lúc gian khó nhất.

Đó là những ngày anh Nguyễn Minh Tuyên, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Budapest nhận được sự kết nối tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary cùng các hội đoàn khi đến các cửa khẩu, nhà ga… Họ đến đón bà con kiều bào từ Ukraine sang lánh nạn!

Luôn đồng hành cùng các hội đoàn trong nghĩa cử cao đẹp, toàn thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên Đại sứ quán đều nỗ lực hết mình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm.

Mọi người phân công nhau, người liên hệ chính quyền, tìm hiểu quy định, người trực điện thoại để hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý thông tin về nguyện vọng của bà con. Người trực ở ga tàu, người giải quyết gấp giấy tờ, người đi thăm, động viên, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con…

Tại Slovakia, ngoài việc hỗ trợ người Việt từ Ukraine sang lánh nạn, Đại sứ quán Việt Nam cũng kết nối với các đại sứ quán các nước lân cận và các hội đoàn người Việt để cung cấp thông tin cho bà con về những khó khăn khi nhập cảnh, những địa chỉ có thể hỗ trợ nơi ở mới….

Thời điểm ấy, đoàn công tác Đại sứ quán Việt Nam tại Đức do Đại sứ Vũ Quang Minh dẫn đầu đã cùng một số hội đoàn ở Đức tới thăm hỏi và tặng quà cho bà con sơ tán từ Ukraine hiện ở Trung tâm tiếp nhận tại thành phố Eisenhüttenstadt, bang Brandenburg.

Ông Jens Dorschmann, Phó Giám đốc Trung tâm đánh giá cao việc Đại sứ Vũ Quang Minh đã dành thời gian đến thăm, trò chuyện và động viên những người Việt đang lánh nạn tại đây. Ông cho biết Đại sứ quán Việt Nam cũng là cơ quan đại diện nước ngoài đầu tiên đến trung tâm để thăm hỏi, động viên và có hình thức hỗ trợ cho công dân từ Ukraine sang Đức lánh nạn.

Chị Hoàng Thị Vân, đã sống 34 năm ở Ukraine, xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao cùng các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga dành cho bà con đi sơ tán. Không chỉ phối hợp với hội đoàn tỉnh Krasnodar đã tổ chức nơi ăn và chỗ ở, Đại sứ quán còn hỗ trợ bà con về Moscow một cách an toàn.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức quyên góp hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của thảm họa động đất, tháng 2/2023. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ)

Vững lòng nơi tâm chấn động đất

Là một người Việt có hơn 10 năm sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh Bùi Xuân Mai không thể quên thảm họa khủng khiếp bất ngờ ập đến với “quê hương thứ hai” và một tuần đi tình nguyện cùng đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam ở những vùng tâm chấn của trận động đất hồi tháng Hai năm nay.

Anh Bùi Xuân Mai đánh giá cao và ghi nhận công tác bảo hộ công dân được Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện rất nhanh chóng.

Cùng việc liên hệ với các đầu mối và đăng thông tin về đường dây nóng để người dân nắm được, sau động đất ba ngày, Đại sứ quán đã cử cán bộ đến Adana - nơi rất gần với khu vực tâm chấn của vụ động đất kinh hoàng, sẵn sàng hỗ trợ công dân Việt Nam nếu cần.

Thời điểm ấy, do công việc không thể trực tiếp tới Adiyaman, cũng là một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của động đất, Đại sứ Đỗ Sơn Hải đã đề nghị anh Mai đi thăm hỏi giúp các gia đình người Việt trong khu vực đó, đồng thời nhắn nhủ nếu bà con cần hỗ trợ gì cần báo ngay với Đại sứ quán. Tại các gia đình đến thăm, anh Mai thay mặt Đại sứ quán động viên, thăm hỏi các chị đều rất cảm động, bởi dù đường sá xa xôi và vùng ảnh hưởng của động đất, nhưng Đại sứ quán và cộng đồng vẫn tới hỗ trợ. Chính sự chia sẻ, động viên kịp thời này đã góp phần giúp họ vững tâm hơn để khắc phục hậu quả thiên tai cũng như ổn định lại cuộc sống.

Cùng vượt khó trong hoàn cảnh chiến tranh

Những ngày này ở Israel, trong cơn “bão lửa” của cuộc xung đột vũ trang Israel - Hamas, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với Ban liên lạc người Việt tại Israel liên tục duy trì các đầu mối thông tin để cập nhật tới bà con những thông tin mới nhất về tình hình chiến sự, các biện pháp bảo đảm an ninh an toàn cũng như chính sách bảo hộ công dân ở trong nước.

Cộng đồng người Việt cho biết, họ cảm thấy an toàn và yên tâm hơn khi được Đại sứ quán Việt Nam thường xuyên giữ liên lạc với các đầu mối cộng đồng, tiến hành khảo sát thực địa sẵn sàng các phương án bảo hộ theo nguyện vọng của bà con và tình hình thực tế.

Mới đây, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức thăm hỏi kiều bào và tu nghiệp sinh trong cuộc gặp mặt ấm tình tại nhà bà Hồng Shuranys, Ban liên lạc Hội người Việt Nam, ở thành phố Netanya, miền Trung Israel.

Chị Nguyễn Thị Thức, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Ben Gurion tại Negev cho biết, bà con ở khu vực này đang theo dõi sát sao các nguồn tin từ báo chí, mạng xã hội và các thông tin hướng dẫn, cập nhật từ Đại sứ quán Việt Nam để bảo đảm an toàn cho bản thân, cùng đề cao tinh thần đoàn kết vượt khó, hỗ trợ nhau để tiếp tục duy trì công việc và học tập.

Có thể nói, sự trao đổi hướng dẫn liên tục từ các giáo viên của nhà trường, cũng như từ Đại sứ quán Việt Nam về các thông tin và biện pháp bảo đảm an ninh an toàn, đã giúp các tu nghiệp sinh vững tâm hơn để tiếp tục hoàn thành khóa học tập và hướng nghiệp tại Israel.