Thông tin trên được Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) thông báo vào ngày 19/3.
Phát biểu với báo giới, Người Phát ngôn Nhà Xanh Kim Eui-kyeom cho biết, cuộc thảo luận 3 bên nói trên được tổ chức tại thành phố San Francisco, với sự tham gia của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster và Cố vấn An ninh quốc gia của Thủ tướng Nhật Bản, ông Shotaro Yachi.
Ông Kim cho biết: "Ba bên đã tiến hành tham vấn về phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Mỹ - Triều. Các bên nhất trí về tầm quan trọng của việc không lặp lại những sai lầm trong quá khứ và nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong những tuần tới".
Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia của Phủ tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong. |
Đây là lần thứ hai ông Chung Eui-yong tới Mỹ sau chuyến thăm hiếm hoi của ông tới Triều Tiên với tư cách đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Cuộc gặp giữa các cố vấn an ninh nói trên là động thái mới nhất trong hàng loạt hoạt động ngoại giao trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều có thể diễn ra vào tháng Tư tới và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể vào tháng Năm.
Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 18/3, một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên đã lên đường tới Helsinki (Phần Lan) để tham dự một cuộc gặp với các cựu quan chức Mỹ và Hàn Quốc.
Truyền thông Phần Lan trước đó dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao nước này xác nhận ông Choe Kang-il, Vụ phó Vụ các vấn đề Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên sẽ thăm Phần Lan trong 2 ngày và đây là một chuyến thăm "không chính thức".
Báo Helsingin Sanomat đưa tin ông Choe Kang-il sẽ gặp bà Kathleen Stephens, một cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc. Cuộc gặp sẽ được tổ chức tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Helsinki.
Giới chức Bộ Ngoại giao Phần Lan cho biết cuộc gặp tại Helsinki sẽ mang tính chất "đánh giá học thuật" tình hình trên Bán đảo Triều Tiên "từ quan điểm chính trị quốc tế".
Hoạt động trên diễn ra sau các cuộc hội đàm tuần trước tại Stokholm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho và người đồng cấp Thụy Điển Margot Wallstrom về an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
Một quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) ngày 18/3 cho biết Thụy Điển đang thay mặt Mỹ kiên trì đề nghị Triều Tiên phóng thích 3 công dân Mỹ bị giam giữ tại Triều Tiên.
Các công dân Mỹ nói trên gồm Kim Dong-chul, Tony Kim và Kim Hak-song, bị Bình Nhưỡng cáo buộc làm gián điệp hoặc có "các hành động thù nghịch".
Hãng tin CNN dẫn lời quan chức NSC cho biết, vấn đề phóng thích các công dân Mỹ đã được thảo luận trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên và người đồng cấp Thụy Điển.
Thụy Điển mở Đại sứ quán ở Bình Nhưỡng vào năm 1975 và đây là cơ quan ngoại giao đầu tiên của một nước phương Tây tại Triều Tiên. Thụy Điển cũng đại điện cho các lợi ích của Mỹ, Canada và Australia ở Bình Nhưỡng và được coi là kênh liên lạc không chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên.
Chuyến thăm Thụy Điển của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên làm dấy lên khả năng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho rằng, Thụy Điển là địa điểm hợp lý để tiến hành cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo trên. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đã tuyên bố nước này sẵn sàng đóng vai trò trong việc lên kế hoạch cho cuộc gặp nếu được yêu cầu.