📞

Cơn ác mộng Abu Sayyaf

13:30 | 16/07/2017
Thủ đoạn bắt cóc và hành quyết man rợ của tổ chức khủng bố Hồi giáo này đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân Philippines cũng như các du khách tới thăm đảo quốc này.

Warren Rodwell vẫn nhớ như in khoảnh khắc ấy, buổi chiều ngày 15/12/2011, bên ngoài ngôi nhà đang xây dở ở miền Nam Philippines, ông bắt gặp hai người đàn ông mặc đồng phục cảnh sát, cầm súng tiến về phía mình.

Không đợi vị khách người Australia phản ứng, hai “cảnh sát” này đã bắn vào tay, còng và kéo lê ông trên mặt đất trong vòng 20 phút tới một chiếc thuyền ở gần đó. Tuy nhiên, ông Rodwell không biết rằng đây mới chỉ là khởi đầu cho chuỗi ngày gian khổ của mình dưới sự kiểm soát của tổ chức Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf tại Philippines.

Thoát khỏi bàn tay của những kẻ bắt cóc sau 472 ngày giam giữ nhưng ông vẫn phải chịu nhiều thương tổn về thể xác và tinh thần. Bàn tay phải của ông giờ đây chỉ còn bốn ngón.

Các tay súng thuộc tổ chức Abu Sayyaf. (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, ông Rodwell vẫn nằm trong số những người may mắn khi được Abu Sayyaf thả tự do. Ngày 26/2/2017, du khách người Đức Jurgen Kantner đã bị những kẻ khủng bố chặt đầu sau khi khoản tiền chuộc 600.000 USD của chúng không được đáp ứng. Gần đây nhất, đêm 4/7, hai thuyền viên thuộc tàu Royal 16 của Việt Nam cũng bị sát hại theo cách thức tương tự, gây phẫn nộ tại Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.

Chính những hành vi man rợ đó đã khiến Abu Sayyaf, với quân số chỉ vài trăm chiến binh, trở thành mối đe dọa với người dân và chính quyền Philippines.

Gieo rắc nỗi kinh hoàng

Tách ra từ tổ chức Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro (MNLF) ở miền Nam Philippines năm 1991, Abu Sayyaf mong muốn xây dựng một nhà nước Hồi giáo độc lập bằng những vụ khủng bố. Nhận được 6 triệu USD từ al-Qaeda, dưới sự lãnh đạo của Abdurajak Abubakar Janjalani - người từng được trùm khủng bố Osama bin Laden đào tạo, Abu Sayyaf nhanh chóng gieo rắc nỗi kinh hoàng với những cuộc tấn công liều lĩnh và cách hành xử máu lạnh.

Tổ chức này nhanh chóng “nổi danh” sau khi thực hiện vụ thảm sát kinh hoàng tại thị trấn Ipil thuộc tỉnh Zamboanga Sibugay, Philippines, năm 1995. Hai trăm thành viên của Abu Sayyaf đã giết cảnh sát trưởng, bắt cóc 30 người dân làm con tin, đốt phá và cướp hơn 19 triệu USD từ các ngân hàng. Abu Sayyaf cũng là thủ phạm gây ra vụ đánh chìm phà Superferry 14 năm 2004, khiến 116 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, sự tàn bạo của tổ chức này chỉ được cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý sau khi cảnh tượng hành quyết công dân Mỹ Guillermo Sobero đăng tải trên Internet năm 2001. Hình ảnh du khách người Mỹ bị cứa cổ bằng dao rựa, biểu tượng của Abu Sayyaf, dưới sự hò reo của các chiến binh, đã bị cộng đồng quốc tế lên án kịch liệt.

Bất chấp các chiến dịch càn quét của chính quyền Philippines, Abu Sayyaf vẫn đứng vững và tiếp tục những hoạt động của mình, nổi bật là việc tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông. Những diễn biến này đã đe dọa tới an ninh của Philippines, cũng như các quốc gia lân cận như Indonesia, đồng thời buộc chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte vào cuộc nhằm tiêu diệt lực lượng khủng bố khét tiếng này.

Mối nguy “khó nhằn”

Trong hai tháng Năm và Sáu vừa qua, giao tranh giữa Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) và tổ chức này đã diễn ra ác liệt. AFP đã đạt được một số bước tiến quan trọng khi đẩy lui Abu Sayyaf khỏi các căn cứ ở khu vực Basilan và giải cứu nhiều con tin. Trước đó, tháng 12/2016, Tổng thống Philippines Duterte và người đồng cấp Indonesia Joko Widodo cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác quân sự nhằm tiêu diệt lực lượng Abu Sayyaf gần biên giới hai nước.

Tuy nhiên, chiến dịch tiêu diệt những kẻ cầm đầu của Abu Sayyaf, trong đó có Isnilon Hapilon, người được chính quyền Mỹ treo giải tới 5 triệu USD, vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Dường như tuyên bố hùng hồn về việc “làm cỏ” lực lượng Abu Sayyaf trong thời gian ngắn của nhà lãnh đạo Philippines sẽ khó trở thành sự thực.

Lý do đầu tiên là sau nhiều năm tồn tại, Abu Sayyaf thông thạo địa hình và cách chiến đấu trong khu vực rừng núi ở miền Nam Philippines. Vì có quy mô nhỏ nên tổ chức này phân tán lực lượng và thực hiện chiến tranh du kích. Trong khi đó, AFP vẫn đang tập trung chấm dứt chiến sự tại Marawi và khó toàn tâm để tiêu diệt một nhóm khủng bố thiện chiến khác.

Quan trọng hơn, Abu Sayyaf cũng nhận được hậu thuẫn về tiền bạc, vũ khí và được đào tạo kỹ năng chiến đấu từ IS. Trong khi đó, IS có thể tận dụng danh tiếng của tổ chức Philippines để chiêu nạp thêm các phần tử Hồi giáo cực đoan, xây dựng bàn đạp ở khu vực Đông Nam Á. Một số thành viên của Abu Sayyaf cũng tham gia vào cuộc chiến tại Marawi. Sự tồn tại của liên minh “ma quỷ” này sẽ khiến những nỗ lực xóa bỏ Abu Sayyaf của chính quyền Manila trở nên khó khăn hơn.

Bởi vậy, việc tiêu diệt một tổ chức khủng bố lâu đời, với kinh nghiệm chiến đấu phong phú và nhận được nhiều hậu thuẫn sẽ là một bài toán không dễ đối với chính phủ của Tổng thống Philippines Duterte.