📞

'Cơn đau đầu' của nền kinh tế Trung Quốc

Linh Chi 14:17 | 20/09/2022
Kể từ tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã liên tục đạt kỷ lục mới. Chuyên gia nhận định, quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng việc làm tồi tệ nhất đối với những người trẻ tuổi trong hơn 4 thập niên qua.
Kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng trên thị trường lao động. Hình ảnh sinh viên tham dự hội chợ việc làm tại Zunyi, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc ngày 23/6. (Nguồn: CNN)

Cuộc khủng hoảng tồi tệ

Tương lai có vẻ đầy hứa hẹn với Cherry, 22 tuổi. Vào tháng 5/2021, cô được nhận vào thực tập tại một công ty phần mềm lớn có uy tín, trong khi vẫn đang theo học tại một trường đại học ở Vũ Hán. Công ty cho biết Cherry có thể bắt đầu làm việc toàn thời gian sau khi tốt nghiệp Đại học.

Nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể vào mùa Hè này. Khi Cherry chuẩn bị tốt nghiệp đại học vào năm nay, công ty trên thông báo, công việc của cô đã bị hủy bỏ do công ty phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh và cắt giảm nhân sự.

Cherry chia sẻ: "Tôi nghĩ, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới hầu hết các công ty”.

Năm 2022, 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp Đại học sẽ tham gia thị trường lao động.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã liên tục đạt mức cao mới, tăng từ 15,3% trong tháng 3/2022 lên mức kỷ lục 18,2% vào tháng 4/2022 và tiếp tục gia tăng lên 19,9% vào tháng 7 vừa qua.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy, tỷ lệ này đã giảm nhẹ xuống 18,7% trong tháng 8, nhưng vẫn là một trong những mức cao nhất từ ​​trước đến nay.

Theo CNN, điều đó có nghĩa là hiện có khoảng 20 triệu người trong độ tuổi 16-24 ở các thành phố và thị trấn không có việc làm.

Willy Lam, thành viên cấp cao của Quỹ Jamestown ở Washington DC cho biết: “Đây chắc chắn là cuộc khủng hoảng việc làm tồi tệ nhất của Trung Quốc đối với những người trẻ tuổi trong hơn 4 thập niên qua. Thất nghiệp là một thách thức lớn đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới”.

Có lẽ, không lĩnh vực nào có thể thấy rõ cuộc khủng hoảng hơn trong lĩnh vực công nghệ, vốn đang hứng chịu các lệnh trừng phạt sâu rộng của Mỹ.

Ngành công nghiệp xe hơi đã từng là nguồn cung cấp việc làm có mức lương cao lao động trẻ, có trình độ học vấn ở Trung Quốc. Nhưng các công ty lớn hiện đang giảm quy mô chưa từng thấy.

Alibaba - “gã khổng lồ” thương mại điện tử gần đây đã cắt giảm hơn 13.000 lao động trong sáu tháng đầu năm nay. Đây là lần cắt giảm nhân sự lớn nhất kể từ năm 2014.

Hay Tencent - công ty cung cấp dịch vụ truyền thông, giải trí đã cho nghỉ việc gần 5.500 nhân viên trong quý II/2022. Đây là sự suy giảm lớn nhất trong lực lượng lao động của công ty này trong hơn một thập niên.

Cuộc khủng hoảng việc làm trong lĩnh vực công nghệ, ngành mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố sẽ thúc đẩy giai đoạn phát triển tiếp theo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể làm suy yếu tham vọng của Trung Quốc trong việc biến đất nước thành siêu cường công nghệ toàn cầu trong 2-3 thập niên tới.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc cấp cao Craig Singleton tại tổ chức nghiên cứu Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Mỹ) phân tích: "Những đợt cắt giảm nhân sự mới nhất là mối đe dọa kép đối với Bắc Kinh trong tương lai. Không chỉ khiến hàng nghìn người mất việc làm, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc gặp khó trong quá trình đổi mới và mở rộng quy mô để đối đầu với các đối thủ cạnh tranh ở phương Tây”.

Các ngành công nghiệp bị “nhấn chìm”

Công nghệ không phải là lĩnh vực duy nhất bị ảnh hưởng. Trong vài tháng qua, tình trạng sa thải nhân liên hàng loạt đã “nhấn chìm” các ngành công nghiệp Trung Quốc từng bùng nổ, từ giáo dục đến bất động sản. Đây có thể là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới - vốn coi việc làm là ưu tiên chính sách hàng đầu.

George Magnus, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Oxford nhận thấy, tình trạng thất nghiệp của thanh niên sẽ là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định kinh tế Trung Quốc về lâu dài.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường liên tục nhấn mạnh sự cần thiết phải ổn định tình hình việc làm. Các nhà chức trách nước này cũng khuyến khích những người trẻ tuổi tìm kiếm việc làm ở khu vực nông thôn để giảm bớt áp lực.

Vào tháng 6, các Bộ Giáo dục, Tài chính, Dân sự cùng ban hành một tuyên bố yêu cầu chính quyền địa phương cung cấp các ưu đãi về thuế và các khoản vay, đồng thời thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học tìm việc làm hoặc bắt đầu kinh doanh tại đó.

Đối với những sinh viên mới tốt nghiệp như Cherry, người vẫn đang thất nghiệp, có thể cô sẽ phải từ bỏ ước mơ gia nhập ngành công nghệ và chuyển sang làm công việc được trả lương thấp hơn để ổn định.

Cherry nói: "Tôi muốn làm việc cho các công ty công nghệ ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, vì tôi còn quá trẻ. Nhưng hiện tại, suy nghĩ của tôi đã thay đổi. Bây giờ, có một công việc ổn định là tốt rồi”.

Khủng hoảng bất động sản "phủ bóng đen" lên nền kinh tế

Nền kinh tế Trung Quốc cho thấy khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trong tháng 8, với tốc độ tăng trưởng sản lượng chế tạo và doanh số bán lẻ cao hơn dự kiến.

Theo NBS, sản lượng công nghiệp đã tăng 4,2% trong tháng 8/2022, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2022 và vượt dự báo tăng 3,8% mà các nhà phân tích của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đưa ra và mức tăng 3,8% trong tháng 7/2022.

Doanh số bán lẻ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất trong sáu tháng và cũng vượt dự báo tăng 3,5% của các nhà phân tích và mức tăng 2,7% trong tháng 7/2022.

Song, cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc đang "phủ bóng đen" lên triển vọng phục hồi của nền kinh tế.

Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu chính thức, đầu tư bất động sản trong tháng 8/2022 đã giảm 13,8%, tốc độ giảm nhanh nhất kể từ tháng 12/2021.

Giá nhà mới giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8/2022, tăng nhanh nhất kể từ tháng 8/2015.

(theo CNN)