Bản đồ Con đường tơ lụa trên biển (MSR) của Trung Quốc. |
GS. Trần Ngọc Vương, giảng viên khoa Văn học, trường Đại học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ như vậy tại Hội thảo khoa học quốc tế “Con đường tơ lụa trên biển và quan hệ quốc tế ở Biển Đông: Hiện trạng và triển vọng” diễn ra tại Hà Nội vừa qua. “Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc không có một gram lụa nào mà là một lộ trình chinh phục”, ông nói.
Bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhiều học giả trong nước và quốc tế đồng tình với quan điểm của ông Vương về sáng kiến vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI, gọi tắt là Chiến lược Một vành đai, Một con đường (OBOR).
Từ tham vọng lịch sử
Theo Tiến sĩ Tiết Lực, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc, OBOR sẽ là “kế hoạch trọng yếu” trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc vào thập kỷ tới. Nước này đang dịch chuyển từ một thế lực khu vực với ảnh hưởng toàn cầu sang một quyền lực toàn cầu hoàn chỉnh và ASEAN nhiều khả năng là phép thử cho OBOR.
Con đường tơ lụa trên biển (MSR) là một bước đi kinh tế có ảnh hưởng chiến lược tới khu vực Đông và Nam Á. Tuy nhiên, các học giả đưa ra nghi vấn: MSR vì kinh tế thuần túy hay đây chỉ là “bình phong” cho mục tiêu an ninh chính trị?
Tiến sĩ Trịnh Văn Định, trường Đại học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp cận MSR dưới lăng kính lịch sử. Căn cứ vào ghi chép về con đường tơ lụa, Văn kiện tầm nhìn và hành động được Ủy ban Cải cách Quốc gia, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố ngày 26/3/2015, cũng như các phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc về giấc mộng Trung Hoa, ông hiểu khái niệm MSR trên hai khía cạnh.
Thứ nhất, thực chất OBOR và MSR là sự mê hoặc thế giới thông qua sức quyến rũ của con đường, Bắc Kinh có mục đích quảng bá hình ảnh một Trung Hoa tốt đẹp, từ đó hướng thế giới theo những nét đẹp đẽ của con đường mà quên đi mục tiêu cuối cùng của OBOR và MSR là “chính trị hóa con đường”.
Thứ hai, OBOR và MSR được hiểu là khát vọng của Trung Hoa nhằm khôi phục thời kỳ huy hoàng – trung tâm thế giới thời Đại Hán – Đường, thời kỳ mà nhiều đế chế hùng mạnh đều hướng về Thiên triều.
Theo vị Tiến sĩ này, Chủ tịch Tập Cận Bình đang tiếp tục sự nghiệp của tiền nhân Hán Vũ Đế nhằm kiến tạo hệ thống tơ lụa toàn cầu mà Trung Quốc làm trung tâm, hiện thực hóa con đường tơ lụa mới dựa trên sự kế thừa ý tưởng hệ thống con đường tơ lụa cũ cách đây 2.000 năm. Về quy mô, con đường tơ lụa mới vừa là làm mới vừa là sự mở rộng con đường tơ lụa cũ. MSR được mở ra toàn Biển Đông, sang Ấn Độ Dương với điểm tựa trung tâm là các thành phố từ ven biển Trung Hoa xuống Đông Nam Á, qua Ấn Độ Dương. Nếu như trước đây, Hán Vũ Đế, Thành Cát Tư Hãn đem quân đội Thiên triều đi chinh phục chư hầu và quy phục thế giới thì ngày nay Trung Quốc vẫn chinh phục thế giới nhưng không bằng quân đội mà là tiền và cơ sở hạ tầng.
Đó là lý do trong Văn kiện tầm nhìn và hành động, Trung Quốc nhấn mạnh “quỹ con đường tơ lụa” không chỉ giúp đỡ các nước hai bên con đường tơ lụa cổ mà còn kết nạp và hỗ trợ nước mới. Trong thế giới đương đại, không phải nước nào cũng có khả năng lập ra kế hoạch hành động hàng thế kỷ và huy động quốc lực phục vụ đại chiến lược kiểu này như Trung Quốc.
... tới ước muốn kiểm soát biển
Tiếp cận MRS qua lăng kính hàng hải, Tiến sĩ người Ấn Độ Vijay Sakhuja (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore) đưa ra kết luận rằng Trung Quốc muốn kiểm soát các tuyến hàng hải trọng yếu trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Biển Đông, từ đó phát huy ảnh hưởng sức mạnh cường quốc biển.
MSR cũng có sứ mệnh cạnh tranh với các chiến lược biển của nhiều nước khác trong khu vực như trục hàng hải toàn cầu của Indonesia, những chính sách quan tâm tới phát triển kinh tế biển của Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản… Nếu MSR mang ý nghĩa đơn thuần về phát triển kinh tế, ASEAN hay nhiều nước trong khu vực sẽ sẵn sàng chào đón. Nhưng khi nhìn vào hướng xây dựng cơ sở hạ tầng cho sáng kiến MSR tại Biển Đông, các nước có cảm giác bị bao vây về mặt chiến lược...
Tiến sĩ Vijay Sakhuja đã chỉ ra một bức tranh Biển Đông không còn thanh bình như đầu thập niên 1990. Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được đưa ra năm 2002 nhưng hơn 10 năm sau dường như các điều khoản của DOC vẫn chưa thực sự được các bên coi trọng. Diện mạo Biển Đông đổi thay một cách dữ dội. Các nước ven biển như Trung Quốc, Malaysia không ngừng tăng cường tàu sân bay với lý do phát triển dịch vụ nhưng những thực thể máy bay ở đó toàn là máy bay chiến đấu như Su27, Su30, C130… Đường băng của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm dài 2.350 mét. Dường như nước này đang phát triển ngành công nghiệp mới mang tên “công nghiệp xây dựng đảo nhân tạo” trên Biển Đông.
Câu hỏi mà Tiến sĩ Ấn Độ đặt ra là: Những cơ sở hạ tầng quy mô như thế có phải chỉ để phục vụ mục đích dân sự như đón những đoàn tàu tránh bão? Câu trả lời có lẽ là không.
Đó là lý do nhiều nước không mấy hồ hởi với sáng kiến MSR của Bắc Kinh và đang chuẩn bị hành trang an ninh hàng hải cho riêng mình. Philippines với khó khăn về tài chính đang nhận được sự hỗ trợ từ phía Mỹ để trang bị tàu ngầm, tàu khu trục và máy bay chiến đấu. Malaysia hiện có năm căn cứ hải quân trên Biển Đông, Đài Loan (Trung Quốc) xây dựng đảo Ba Bình thành nơi có thể cho nhiều tàu cỡ 6 tấn cập cảng cùng lúc.
Và ý định trở thành “nhà làm luật”
Xét về góc độ chính trị, Giáo sư David Arase thuộc Trung tâm Hopkins-Nanjing, Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) xem MSR như một công cụ để các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể dịch chuyển cấu trúc khu vực, thay đổi bức tranh địa chính trị theo cách mình muốn.
MSR được Bắc Kinh đưa ra nhằm “đánh lạc hướng” các nước Đông Nam Á, để họ quên đi tranh chấp ở Biển Đông và tập trung vào vấn đề hợp tác kinh tế trong các cuộc gặp với Trung Quốc. Đây cũng là một lý giải cho thực trạng phân hóa nội bộ ASEAN trước vấn đề Biển Đông. Nếu thành công, MSR sẽ là “một mũi tên trúng hai đích”, một mặt Trung Quốc có thể hút các nước ASEAN tham gia MSR, một mặt vẫn phát triển hoạt động bất hợp pháp trên Biển Đông mà ít bị “ném đá”.
MSR và sự phát triển trên Biển Đông của Bắc Kinh đang khiến Washington vô cùng lo lắng trên tất cả phương diện kinh tế, tự do hàng hải và chính trị. Mỹ muốn Trung Quốc hợp tác, sẻ chia lợi ích tại khu vực này nhưng với tư thế chủ động, Trung Quốc chưa sẵn sàng tham gia. Có thể nói Mỹ phải chấp nhận thực tế rằng sự độc tôn của mình không còn tồn tại và Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Trung Quốc được Giáo sư David Arase ví như con cá lớn nhất trong khu vực và dễ dàng nói rằng thế giới bình đẳng, mọi hoạt động của Trung Quốc đều hợp pháp. Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống luật của riêng mình và buộc các nước xung quanh phải tuân theo. Vì vậy, kịch bản tốt nhất cho cấu trúc khu vực thời điểm này là Mỹ và các nước khác như Ấn Độ, Nhật Bản, các thành viên ASEAN… phải nhanh chóng thiết lập một cơ chế quản trị đa phương theo luật pháp quốc tế. Sau đó, thuyết phục Trung Quốc hành xử theo luật, duy trì một trật tự khu vực ổn định, hòa bình, các quốc gia cùng phát triển.
Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (MSR) và “Một vành đai, Một con đường” là những sáng kiến được Trung Quốc đưa ra vào năm 2013. Theo tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc, MSR sẽ phục vụ cho sự phát triển hàng hải của các nước dọc theo tuyến đường, mở rộng giao thương biển cũng như thúc đẩy sự thịnh vượng trong khu vực Đông và Nam Á. Con đường này xuất phát từ các cảng biển thuộc khu vực duyên hải Trung Quốc, trục chính đi qua Biển Đông theo eo biển Malacca, mở nhánh phụ qua Lombok và Sunda (Indonesia), rồi sau đó dọc theo Ấn Độ Dương ở phía bắc đến Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ, Vịnh Aden tới Đại Tây Dương.
Hằng Phạm