Các tổ chức tài chính Trung Quốc đã đầu tư một lượng đáng kể vào trái phiếu chính phủ dài hạn, khiến họ dễ bị tổn thương trước những thay đổi lãi suất đột ngột. (Nguồn: CNBC) |
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm trong nước của Trung Quốc - vốn là chuẩn mực cho nhiều loại lãi suất - chạm mức 2,18% vào đầu tuần này (ngày 1/7). Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Chi phí vay thấp hơn sẽ được hoan nghênh trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau sự sụp đổ của thị trường bất động sản, chi tiêu tiêu dùng trì trệ và niềm tin kinh doanh yếu kém.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã đưa ra hơn 10 cảnh báo riêng biệt kể từ tháng 4 về nguy cơ bong bóng trái phiếu có thể vỡ, gây bất ổn cho thị trường tài chính và làm chệch hướng quá trình phục hồi không đồng đều của nền kinh tế Trung Quốc.
Và hiện tại, ngân hàng đang làm một việc chưa từng có tiền lệ, đó là vay trái phiếu để bán nhằm hạ nhiệt cơn sốt trái phiếu.
Tin liên quan |
FTA - 'đôi cánh' cho doanh nghiệp Quảng Ninh bay xa |
Thống đốc PBOC Pan Gongsheng cho biết tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải vào cuối tháng trước rằng: "Ngân hàng Silicon Valley (SVB) ở Mỹ đã dạy chúng tôi rằng ngân hàng trung ương cần quan sát và đánh giá tình hình thị trường tài chính từ góc độ thận trọng vĩ mô.
Hiện tại, chúng ta phải hết sức chú ý đến sự chênh lệch kỳ hạn và rủi ro lãi suất liên quan đến việc nắm giữ một lượng lớn trái phiếu trung và dài hạn của một số tổ chức phi ngân hàng. Những thực thể này bao gồm các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các công ty tài chính khác".
Cơn sốt trái phiếu và bài học từ Mỹ
SVB là ngân hàng Mỹ thất bại lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của SVB nằm ở chỗ, ngân hàng này đã đầu tư hàng tỷ USD vào trái phiếu chính phủ Mỹ - một vụ cá cược có vẻ an toàn đã thất bại khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Giá trái phiếu SVB đang nắm giữ giảm, làm xói mòn tình hình tài chính của ngân hàng.
Các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tương tự ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nếu cơn sốt trái phiếu không được kiểm soát.
Giá trái phiếu Trung Quốc đã tăng nhanh kể từ đầu năm nay, khi các nhà đầu tư đổ xô mua vào vì triển vọng kinh tế không chắc chắn. Các doanh nghiệp cũng vay mượn ít hơn, khiến các ngân hàng dư thừa tiền mặt và họ cũng phải tìm cách gửi ở đâu đó.
Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group nhận định: “Nhu cầu tín dụng yếu do khủng hoảng tài sản. Kết quả là các ngân hàng phải mua thêm trái phiếu khi tiền bị mắc kẹt trên thị trường liên ngân hàng”.
Ông nói thêm, triển vọng giảm phát của nền kinh tế cũng đã ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, khiến họ đổ xô vào trái phiếu chính phủ dài hạn.
Tương tự như SVB, các tổ chức tài chính Trung Quốc đã đầu tư một lượng đáng kể vào trái phiếu chính phủ dài hạn, khiến họ dễ bị tổn thương trước những thay đổi lãi suất đột ngột.
Bắc Kinh lo ngại rằng, nếu bong bóng trái phiếu nổ, khiến giá trái phiếu giảm và lợi suất tăng, những người cho vay có thể chịu tổn thất lớn.
Ông Larry Hu nhấn mạnh: “Điều khiến các nhà hoạch định chính sách lo lắng là rủi ro lãi suất, rủi ro này sẽ tăng lên khi câu chuyện chủ đạo chuyển từ giảm phát sang giảm phát”.
Theo phân tích dữ liệu ngân hàng trung ương của Zheshang Securities - một công ty môi giới do nhà nước kiểm soát - trong nửa đầu năm nay, lượng mua ròng trái phiếu chính phủ của các tổ chức tài chính, chủ yếu là của các ngân hàng khu vực ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là 1,55 nghìn tỷ NDT (tương đương 210 tỷ USD), tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãi suất chính thức ở Trung Quốc đang ở mức thấp sau khi PBOC cắt giảm lãi suất trong những năm gần đây nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Áp lực giảm phát vẫn tồn tại - giá tiêu dùng tăng ít hơn dự kiến trong tháng 5 và giá xuất xưởng giảm tháng thứ 20 liên tiếp.
Nhưng theo nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group, khi nhu cầu bên ngoài chậm lại, Bắc Kinh sẽ phải tăng cường kích thích để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
"Nếu điều đó xảy ra, lợi suất trái phiếu sẽ tăng khi các nhà đầu tư quay trở lại với những cổ phiếu rủi ro hơn. Trong khi đó, nhu cầu tín dụng sẽ tăng lên, các ngân hàng sẽ cho vay nhiều hơn và do đó giảm nắm giữ nợ chính phủ. 4.000 ngân hàng vừa và nhỏ của đất nước sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương trước rủi ro lãi suất", ông Larry Hu dự báo.
Trụ sở chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tại Bắc Kinh. (Nguồn: Bloomberg) |
Hạ nhiệt cơn sốt lần đầu tiên trong lịch sử
Ngày 1/7, PBOC cho biết sẽ can thiệp trực tiếp vào thị trường trái phiếu để hạ nhiệt cơn sốt trái phiếu lần đầu tiên trong lịch sử. Ngân hàng sẽ vay trái phiếu chính phủ từ các nhà giao dịch trên thị trường mở để có thể bán chúng nhằm giảm giá và tăng lợi suất.
PBOC cho biết thêm, quyết định này được đưa ra sau khi “quan sát và đánh giá cẩn thận” và nhằm “duy trì hoạt động lành mạnh của thị trường trái phiếu”.
Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Ngày 2/7, tờ Securities Times thuộc sở hữu nhà nước đã cảnh báo về rủi ro của bong bóng thị trường trái phiếu, nêu ra trường hợp của SVB và một ngân hàng Nhật Bản nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ và châu Âu đã mất giá trị khi lợi suất tăng.
Tờ Securities Times cho biết trong một bài xã luận: “Bong bóng được hình thành do dòng tiền đổ xô vào thị trường trái phiếu đang tích lũy rủi ro lãi suất. Nguyên nhân dẫn đến sự phá sản của SVB và khoản lỗ khổng lồ của Ngân hàng Norinchukin Nhật Bản đều là rủi ro lãi suất do họ quá phụ thuộc vào đầu tư trái phiếu".
Những cảnh báo bằng lời nói lặp đi lặp lại cho đến nay vẫn không thể kiềm chế được giá trái phiếu tăng vọt. Do đó, sự can thiệp thị trường thể hiện quyết tâm của PBOC nhằm hạ nhiệt đà tăng bằng cách bán trái phiếu và nâng lãi suất, theo ong Zhang Jiqiang, nhà phân tích thu nhập cố định tại Huatai Securities.
Vị chuyên gia này khẳng định: “Ngân hàng trung ương muốn tránh một cuộc khủng hoảng kiểu SVB".
Rủi ro kinh tế
Sự sụt giảm nhanh chóng của lợi suất trái phiếu Trung Quốc cũng gây ra rủi ro đáng kể cho nền kinh tế.
Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối tại Mizuho Securities ở Hong Kong (Trung Quốc) cho hay: “Lợi suất trái phiếu chính phủ thấp gây hại nhiều hơn là có lợi cho nền kinh tế trong hoàn cảnh hiện tại. Bởi nó có thể củng cố kỳ vọng của thị trường về việc PBOC cắt giảm lãi suất mạnh mẽ và tăng trưởng yếu, làm trầm trọng thêm sự hình thành tư duy giảm phát”.
Ngoài ra, cơn sốt thị trường trái phiếu có thể cản trở nỗ lực của PBOC nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế và tăng cung tiền vì nó khuyến khích vốn chảy vào thị trường trái phiếu, thay vì đổ vào các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu, bất động sản và các khoản đầu tư khác thúc đẩy nền kinh tế. sự phát triển.
Sự sụt giảm lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc cũng có thể làm gia tăng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến tiền tháo chạy khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và gây áp lực lên đồng NDT.
| Saudi Arabia phát hiện nhiều mỏ dầu và khí đốt mới Ngày 1/7, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman thông báo, nước này đã phát hiện 7 mỏ dầu và khí đốt. |
| Kinh tế Việt Nam: Thêm dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 Chia sẻ với phóng viên TG&VN, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương nhận định, nếu ... |
| Tăng lương cơ sở sẽ không gây ra tình trạng lạm phát tăng đột biến Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, đồng ý cải cách tiền lương với phương án tăng lương cơ ... |
| Ngoại giao kinh tế Bangladesh: Tranh thủ nguồn lực láng giềng Ngoại giao kinh tế trở thành xung lực giúp Bangladesh vận động nguồn hỗ trợ từ Trung Quốc và Ấn Độ, góp phần đẩy mạnh ... |
| Kinh tế Nga thăng hạng nhờ những 'cú sốc', thu nhập bình quân đạt trên 14.005 USD, bất chấp đứt gãy quan hệ với phương Tây Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố nâng cấp Nga từ “quốc gia thu nhập trung bình cao” lên “quốc gia thu nhập cao” ... |