📞

Công bố 'Báo cáo Quốc gia về Việt Nam 2023: Thị trường lao động ở Việt Nam'

Hồng Châu 09:56 | 19/09/2023
Chiều 18/9, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại hoc Quốc gia Hà Nội - ĐHQGHN) phối hợp với Tổ chức Hanns Seidel Stiftung (Đức) tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm công bố những kết quả chính được trình bày trong “Báo cáo Quốc gia về Việt Nam 2023: Thị trường lao động ở Việt Nam”.
Toàn cảnh Tọa đàm công bố những kết quả chính được trình bày trong “Báo cáo Quốc gia về Việt Nam 2023: Thị trường Lao động ở Việt Nam”. (Nguồn: USSH)

Diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, Tọa đàm đã tạo nền tảng cho các thảo luận sâu hơn về các vấn đề liên quan. Đây cũng là số thứ sáu trong chuỗi Báo cáo Quốc gia Việt Nam nhờ sự hợp tác rất thành công giữa Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), Đại học Justus Liebig Giessen (Đức) và Tổ chức Hanns Seidel Stiftung (Đức).

Mục tiêu của Báo cáo lần này là nhằm “mang lại cái nhìn ban đầu về cấu trúc cơ bản và các vấn đề của thị trường lao động Việt Nam”. Lý do là bởi “không thể phủ nhận rằng thị trường lao động, tương ứng với nguồn nhân lực có vai trò vô cùng quan trọng đối với tương lai của Việt Nam”.

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS. TS. Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, cùng với quá trình đổi mới của Việt Nam trong suốt gần 40 năm qua cho thấy, nguồn lao động là vốn quý, là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng của Việt Nam.

Với những di sản lịch sử vừa theo bối cảnh chung vừa có những đặc điểm riêng biệt, một trong những vấn đề căn bản trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là sự hình thành một thị trường lao động dựa trên cung – cầu có sự quản lý và điều tiết của nhà nước.

"Cùng với sự hình thành và phát triển của thị trường lao động, các vấn đề liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động và quản lý quan hệ lao động cũng được đặt ra, đòi hỏi một đánh giá toàn diện để từ đó có những giải pháp phù hợp để phát huy nguồn lực quý giá này. Báo cáo Quốc gia – 'Thị trường Lao động ở Việt Nam' là câu trả lời của chúng tôi cho vấn đề này, với tư cách là một trong những đơn vị nghiên cứu hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn", PGS. TS. Đào Thanh Trường khẳng định.

Theo PGS. TS. Đào Thanh Trường, công trình nghiên cứu được thực hiện bởi sự hợp tác ba bên giữa Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN với Đại học Justus-Liebig Universitat, Giessen (Đức) và Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam. Sự hợp tác này nằm trong khuôn khổ mối quan hệ hữu nghị và thân thiện giữa Việt Nam và Đức với mong muốn phát triển tri thức và sự hiểu biết về Việt Nam về một loạt các vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Nguồn lao động là vốn quý, là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng của Việt Nam. (Nguồn: Báo Công Thương)

Đây cũng là Báo cáo Quốc gia thứ sáu về Việt Nam, tiếp nối các báo cáo trước đây về môi trường, già hóa dân số, số hóa, hệ quả chiến tranh, và về phụ nữ. Tiếp nối sự thành công của các báo cáo trước đây, ấn phẩm lần này có sự tham gia, đóng góp của các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực đến từ các đơn vị uy tín trong và ngoài nước: Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Đại học Luật thuộc ĐHQGHN, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Đại học Cologne (Đức), Đại học Justus-Liebig Universitat và các đơn vị thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Tại Tọa đàm, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Tổ chức Hans Seidel Foundation, TS. Detlef Briesen – đại diện cho các tác giả Chủ biên của Báo cáo - đã trình bày những kết quả nổi bật trong các nghiên cứu được tập hợp trong ấn phẩm.

Giống như các ấn phẩm trước, Báo cáo lần này được chia thành nhiều phần. Phần thứ nhất cung cấp thông tin cơ bản về thị trường lao động ở Việt Nam (tác giả Đặng Hoàng Linh); giới thiệu khung pháp lý trong nước và quốc tế (tác giả Ngô Minh Hương).

Phần thứ hai thảo luận chi tiết hơn về thị trường lao động chính thức (tác giả Lê Thị Thanh Hà) và phi chính thức (tác giả Trịnh Thu Nga) trong nước; việc làm ở khu vực nông thôn và di cư lao động đến các thành phố và trung tâm công nghiệp (tác giả Nguyễn Thị Phương Mai); phụ nữ cùng những cơ hội và khó khăn trong thế giới lao động (các tác giả Vũ Thị Minh Thắng và Nguyễn Thị Thúy Hằng).

Phần thứ ba tập trung vào những thách thức mới của đất nước, bao gồm những cải cách cần thiết trong giáo dục nghề nghiệp và đào tạo tại doanh nghiệp (tác giả Phùng Lệ Khánh); sự cần thiết phải đổi mới giáo dục tại các trường đại học của đất nước (tác giả Lại Quốc Khánh); sự cân bằng giữa di cư lao động, chảy máu chất xám, khởi nghiệp kinh doanh của người Việt Nam trở về quê hương và vai trò quan trọng của kiều hối từ lao động nước ngoài (tác giả Nguyễn Tuấn Anh); vai trò, nhận thức của lực lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam (tác giả Detlef Briesen).

Phần thứ tư cung cấp thông tin tổng quát hơn (các tác giả Nguyễn Thị Thùy Trang và Lưu Thị Thùy Hương) như thị trường lao động ở Việt Nam liên quan đến luật, chính sách và nghiên cứu về lao động… Tác giả Lương Thị Hân đã tóm tắt trong bài viết của mình (khái niệm và thuật ngữ) những thuật ngữ quan trọng nhất cùng một số lý giải.

Phiên thảo luận của Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học và đại diện các cơ quan, tổ chức gắn liền với lao động Việt Nam như Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Chương trình Cải cách giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam, từ các trường đại học như Đại học Cologne, Học viện Ngoại giao...

Hội thảo cũng nhận được rất nhiều câu hỏi từ những người tham dự về việc làm của thế hệ trẻ (Gen Z), các ưu tiên của các nhà tuyển dụng, các xu hướng mới nổi của thị trường lao động …

Bình luận về Báo cáo Quốc gia lần này, ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam khẳng định: “Nội dung trong báo cáo này khám phá sự pha trộn độc đáo giữa truyền thống và hiện đại, đặc trưng của thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cung cấp những hiểu biết sâu sắc cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu”.