Dự kiến, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ chủ trì Lễ đón Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree vào 14 giờ chiều nay, tại Phủ Chủ tịch. Sau đó, Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desireehai sẽ hội đàm với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và dự Diễn đàn doanh nghiệp hai nước.
Là một trong 17 đại sứ của Nhóm ủng hộ Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG), Công chúa Victoria Ingrid Alice Desiree chủ yếu thúc đẩy các vấn đề phát triển bền vững, đại dương và chính sách nghề cá.Công chúa Victoria Ingrid Alice Desiree sinh năm 1977, là con cả của nhà Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf và Hoàng hậu Silvia. Bà kết hôn năm 2010 và có hai con. Công chúa từng học chính trị và lịch sử tại Đại học Yale, Mỹ, sau đó hoàn thành khoá học về giải quyết xung đột và tạo dựng hoà bình quốc tế. Công chúa có thời gian làm việc tại Liên Hợp Quốc năm 2002 và công tác tại Đại sứ quán Thuỵ Điển ở Mỹ năm 1999.
Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1969, khi Việt Nam đang tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất và bị bao vây cấm vận hết sức khó khăn.
Công chúa Thuỵ Điển Victoria Ingrid Alice Desiree. (Nguồn: Kungahuset) |
Thụy Điển là đối tác quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, Thụy Điển đã cung cấp cho Việt Nam tổng cộng 3,4 tỷ USD viện trợ không hoàn lại. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt hơn 1,8 tỷ USD.
Hiện Thụy Điển đứng thứ 34 trong tổng số 134 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 67 dự án còn hiệu lực. Tổng vốn đăng ký đạt 347 triệu USD. Một số tập đoàn nổi tiếng của Thụy Điển như Ericson, Electrolux, IKEA, ABB…đang đầu tư và kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.