Quan tâm kịp thời
Công đoàn Bộ Ngoại giao luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, tìm hiểu tâm tư hay hoàn cảnh đặc biệt của các công đoàn viên để kịp thời có sự chia sẻ hay có phương án hỗ trợ. Hàng năm, Công đoàn Bộ tổ chức hai đợt trợ cấp thường xuyên cho những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Công đoàn Bộ quan tâm trợ cấp đột xuất để kịp thời giúp đỡ cho những trường hợp ốm đau, tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt, việc đóng góp ý kiến tới Ban chấp hành Công đoàn Bộ có thể được thực hiện qua nhiều hình thức như điện thoại, thư góp ý, hoặc hòm thư điện tử trên trang thông tin nội bộ của Bộ Ngoại giao nên rất thuận lợi cho việc tiếp thu ý kiến và nắm bắt tâm tư nguyện vọng của công đoàn viên.
Nhận định về phong trào Công đoàn của Bộ Ngoại giao, bà Tào Thanh Hương nói: "So với Công đoàn các Bộ, ban ngành khác thì Công đoàn Bộ Ngoại giao là một trong những đơn vị có hoạt động sôi nổi và phong phú nhất. Điều đáng quý là mỗi khi Công đoàn kêu gọi hỗ trợ, làm từ thiện là tất cả các cán bộ, công chức trong Bộ đều nhiệt tình hưởng ứng".
Công đoàn Bộ Ngoại giao ủng hộ đều đặn, thường xuyên tới các quỹ như Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam, Qũy vì người nghèo, Quỹ nạn nhân chất độc da cam… Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng nhận phụng dưỡng suốt đời 24 mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa tặng các gia đình thương binh - liệt sĩ, hỗ trợ xây dựng các lớp học tình thương cho trẻ em ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa…
Hàng năm, vào những dipj lễ, Tết và các ngày kỷ niệm đặc biệt, các thành viên trong Ban Chấp hành Công đoàn Bộ thường tổ chức những chuyến đi thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, lặn lội không quản đường xa đến với các chiến sĩ bộ đội biên phòng, chiến sĩ quần đảo Trường Sa, cũng như giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em nghèo ở các tỉnh còn nhiều khó khăn.
Hơn cả tinh thần trách nhiệm
Bà Tào Thanh Hương tâm sự: "Làm Công đoàn không chỉ bận rộn, "làm dâu trăm họ", sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì. Công tác Công đoàn đòi hỏi điều gì đó cao hơn cả tinh thần trách nhiệm".
Nếu ai đã từng tham dự một chương trình từ thiện của Công đoàn Bộ Ngoại giao mới hiểu hết những tâm huyết của người làm công tác Công đoàn. Mỗi chuyến đi không chỉ có thành phần là các thành viên Ban chấp hành Công đoàn mà còn có sự tham gia nhiệt tình của các công đoàn viên ở cơ sở. Những chuyến đi mang lại cho mọi người nhiều cảm xúc đặc biệt - điều rất khó cảm nhận nếu không trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm.
Bà Tào Thanh Hương nhớ lại cảm xúc của chuyến đi tới 4 tỉnh miền Trung đầu tháng 12 vừa qua: "Hôm đó, Đoàn từ thiện Công đoàn Bộ tới Quảng Nam để phát quà cho bà con bị thiệt hại bởi bão lũ nơi đây. Khi thấy bà con tới nhận quà đều mặc quần áo cũ rách vá víu, ai nấy mặt mũi hốc hác, không một ai trong đoàn nén được xúc động. Địa phương kiến nghị trao mỗi phần quà 500 ngàn đồng nhưng Đoàn đã quyết định tăng giá trị mỗi phần quà lên thành 1 triệu đồng để hỗ trợ bà con qua cơn hoạn nạn này.
Sau chuyến đi, chúng tôi tự nhủ: Mỗi lần định mua sắm món đồ gì đắt tiền hoặc không cần thiết, có lẽ mỗi người nên cân nhắc bởi số tiền đó tuy có thể không lớn với bản thân mình, nhưng với những đồng bào đang phải gánh chịu thiên tai thì vô cùng quý giá".
Năm 2013, cán bộ công chức Bộ Ngoại giao ở trong và ngoài nước đã quyên góp tối thiểu mỗi người 2 ngày lương để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ tại các tỉnh miền Trung. Số tiền mà cán bộ, công chức, viên chức Bộ và bà con cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ủng hộ miền Trung là hơn 1 tỷ đồng và ủng hộ nạn nhân chất độc da cam là 460 triệu đồng, ủng hộ bộ đội Trường Sa 67 triệu đồng, ủng hộ Hội phụ nữ và trẻ em nghèo tỉnh Quảng Nam 50 triệu đồng, ủng hộ Hội người khuyết tật và trẻ em đồn biên phòng Đàm Thủy (Cao Bằng) 35 triệu đồng, Ủng hộ Hội chữ thập đỏ quận Ba Đình (sửa chữa 1 căn nhà cho gia đình chính sách trong quận và các cháu học sinh nghèo vượt khó) 35 triệu đồng… Bộ Ngoại giao cũng ủng hộ 300 triệu đồng để xây một trường học tình thương tại thôn Bó Lóa (xã Giáp Trung, Bắc Mê, Hà Giang). |