📞

Cộng đồng người Việt Nam ở Ấn Độ có niềm tin sâu sắc vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam

Nguyễn Hồng 23:30 | 31/07/2024
Chiều 31/7, tại New Delhi, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ và dự khánh thành trụ sở Đại sứ quán.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Vui mừng vì bà con luôn đùm bọc nhau

Tại buổi gặp gỡ, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải đã báo cáo về tình hình người Việt Nam và hoạt động của Đại sứ quán thời gian qua. Đại sứ cho biết, cộng đồng người Việt tại Ấn Độ tuy không đông, chỉ khoảng 500 người, song luôn đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, đời sống cơ bản ổn định.

Đại sứ Nguyễn Thanh Hải cho biết, để tăng cường đoàn kết, gìn giữ văn hoá, ngôn ngữ Việt Nam cũng như giúp bà con luôn hướng về Tổ quốc, Đại sứ quán thường xuyên tổ chức các hoạt động cộng đồng. Gần đây nhất, Đại hội Hội người Việt Nam tại Ấn Độ nhiệm kỳ 2024-2027 đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Tại buổi gặp gỡ, đại diện bà con bày tỏ vui mừng và tự hào trước những thành tựu to lớn của đất nước, cũng như sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ thời gian qua. Bà con khẳng định tự hào là người Việt Nam, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như sự quan tâm đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Ấn Độ.

Đại sứ Nguyễn Thanh Hải báo cáo về tình hình người Việt Nam và hoạt động của Đại sứ quán thời gian qua. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nêu vấn đề cụ thể với người đứng đầu Chính phủ, bà Trần Thị Bé Thanh, Hoa hậu doanh nhân tại Mumbai, đại diện nhà phân phối độc quyền cà phê Trung Nguyên tại Ấn Độ chia sẻ, bà cùng chồng khi nghe tin Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến New Delhi đã nhanh chóng bay từ Mumbai về đây để có cơ hội được gặp và nêu ý kiến với Thủ tướng.

Bà Trần Thị Bé Thanh, Hoa hậu doanh nhân tại Mumbai bày tỏ luôn có niềm tin sâu sắc, Đảng và Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đưa đất nước ngày càng phát triển hơn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bà Trần Thị Bé Thanh cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, tạo điều kiện cho bà con ở nước ngoài sống và làm việc. “Chúng tôi luôn có niềm tin sâu sắc, Đảng và Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đưa đất nước ngày càng phát triển hơn”, bà Thanh nói.

Tại buổi gặp mặt, Sư thầy Thích Tường Quang đại diện cho kiều bào Việt Nam tại Nepal và Ấn Độ gửi lời chia buồn sâu sắc về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nêu đề xuất với người đứng đầu Chính phủ, Sư thầy Thích Tường Quang mong muốn, Việt Nam miễn visa cho người dân Ấn Độ trong tháng 8 và ngược lại, đề nghị Ấn Độ miễn visa cho người Việt trong tháng 5 hàng năm, để người dân hai nước có thể sang tham dự các sự kiện quan trọng ở mỗi nước trong những thời điểm này.

Sư thầy Thích Tường Quang bày tỏ nguyện vọng với Thủ tướng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sau khi lắng nghe các chia sẻ, ý kiến của bà con kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chuyển tới bà con lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng cho biết, vừa qua, Chính phủ Ấn Độ đã cử quan chức cấp cao sang dự lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Quốc hội Ấn Độ đã dành thời gian mặc niệm Tổng Bí thư - nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta. Hành động này của Ấn Độ thể hiện tình cảm của những người bạn thân thiết dành cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và đất nước Việt Nam, cũng như truyền thống hữu nghị quý báu giữa hai dân tộc.

Thủ tướng vui mừng khi nhận thấy cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng tại Ấn Độ ngày càng phát triển, luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ với bà con về tình hình đất nước, là một trong nước chịu nhiều khổ đau, mất mát sau chiến tranh, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Nhờ đó, sau gần 40 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền thương mại hàng đầu, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới, ký 16 FTA với hơn 60 nước.

Năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.300 USD. Nền kinh tế duy trì xu hướng quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước. Năm 2024, kinh tế quý II/2024 tăng trưởng 6,93%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Những kết quả đạt được như trên không thể không kể đến những đóng góp của bà con kiều bào. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trân trọng cảm ơn nỗ lực, đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ vào những thành tựu của đất nước thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà lưu niệm cho Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thủ tướng vui mừng khi nhận thấy cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng tại Ấn Độ ngày càng phát triển, luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau, nhất là những lúc khó khăn, hoạn nạn, được phía bạn ghi nhận có đóng góp tích cực cho xã hội sở tại.

“Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, ban hành các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi nhất cho bà con làm việc, sinh sống, học tập và đóng góp cho đất nước, như các chính sách về đất đai, nhà ở, visa…”, Thủ tướng khẳng định.

Chia sẻ về chương trình chuyến thăm, Thủ tướng cho biết sẽ cùng các nhà lãnh đạo Ấn Độ thảo luận đề ra phương hướng đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có việc tạo thuận lợi cho bà con sinh sống, học tập, làm việc.

Thủ tướng đề nghị cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, truyền thống "con Lạc cháu Hồng", luôn tự hào là người Việt Nam, hướng về quê hương, tiếp tục đóng góp cho đất nước, cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Thủ tướng trân trọng cảm ơn nỗ lực, đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ vào những thành tựu của đất nước thời gian qua. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ghi nhận, biểu dương những kết quả hoạt động của Đại sứ quán, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đại sứ quán tiếp tục quan tâm tới bà con bằng những cử chỉ, hành động cụ thể, thiết thực, "coi công việc của bà con như việc nhà mình, coi bà con như người thân ruột thịt của mình; làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân, phát huy vai trò là cầu nối giữa hai nước, làm tốt công tác dự báo, tham mưu, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh".

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận các đề xuất của bà con và cho biết sẽ giao các cơ quan có liên quan để xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đồng thời trao đổi với phía Ấn Độ để nghiên cứu hướng xử lý phù hợp nhất.

Thủ tướng cắt băng khánh thành Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cắt băng khánh thành trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã dự lễ khánh thành trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ ở thủ đô New Delhi.

Công trình Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ có diện tích rộng gần 3.500 m2, gồm hai hạng mục Trụ sở làm việc và Nhà ở cho cán bộ nhân viên Đại sứ quán; có hệ thống trang thiết bị, kỹ thuật, công nghệ đi cùng là một phần hỗ trợ quan trọng trong việc xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.

Tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho biết, trải qua thời gian chiến tranh giành độc lập dân tộc, xuất phát điểm của Việt Nam tuy thấp nhưng đến nay đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới.

Mối quan hệ ngoại giao đó được thiết lập trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Có thành quả đó, có một phần đóng góp của ngành Ngoại giao, trong đó có cán bộ, nhân viên các Đại sứ quán.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương nỗ lực các bộ, ngành, đơn vị của Việt Nam và cảm ơn sự giúp đỡ của bạn bè Ấn Độ để công trình trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đi vào hoạt động, phục vụ công tác. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đảng, Nhà nước đặc biệt coi trọng và chăm lo cho công tác ngoại giao, cả về năng lực, trí tuệ và cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, chế độ cho cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương nỗ lực các bộ, ngành, đơn vị của Việt Nam và cảm ơn sự giúp đỡ của bạn bè Ấn Độ để công trình trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đi vào hoạt động, phục vụ công tác.

Với trụ sở làm việc mới khang trang hơn, Thủ tướng tin tưởng, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán có thêm động lực, cảm hứng để làm việc hiệu quả hơn, góp phần tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ, cũng như đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam ở Ấn Độ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)