Đường cao tốc tại thành phố Los Angeles, Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Quy định này yêu cầu các nhà sản xuất xe hơi Mỹ phải thiết lập được hệ thống tích hợp sớm nhất vào năm 2026 để giúp ngăn chặn những lái xe say rượu.
Mỹ dự kiến chi khoảng 17 tỷ USD cho các chương trình an toàn giao thông đường bộ. Trung tâm Giao thông Vận tải Eno cho biết, đây là mức tài trợ lớn nhất trong nhiều năm qua. Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg nói rằng, số tiền này có thể xây dựng thêm nhiều đường dành cho xe đạp và nhiều không gian xanh.
Alex Otte, Chủ tịch tổ chức đấu tranh chống lái xe khi say rượu Mothers Against Drunk Driving nêu rõ: “Chính sách này thực sự cần thiết và sẽ giúp loại bỏ những vụ tai nạn gây chết người trên khắp nước Mỹ”.
Tháng trước, Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) báo cáo, ước tính có khoảng 20.160 người chết vì tai nạn ô tô tại Mỹ trong nửa đầu năm 2021. Đây là con số cao nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2006. Cơ quan này cho biết, việc lái xe nhanh, lái xe ẩu và không thắt dây an toàn là những lý do chính gây ra các vụ tai nạn. Mỗi năm, ở Mỹ có khoảng 10.000 người thiệt mạng vì các vụ va quẹt xe liên quan đến rượu.
Hiện tại, một số người từng bị buộc tội lái xe trong tình trạng say rượu trước đây đang phải sử dụng thiết bị thở để khởi động xe, đó là máy đo nồng độ cồn trong máu. Thiết bị này có thể tắt động cơ ô tô nếu nồng độ cồn trong máu của người lái xe quá cao.
Sam Abuelsamid hiện làm việc cho công ty nghiên cứu thị trường Guidehouse Insights cho biết, hệ thống hiện đại nhất và có khả năng ngăn chặn tình trạng lái xe khi say rượu là các camera hồng ngoại theo dõi hành vi của người lái. Các camera này sẽ nhận diện được người lái xe đang quan sát đường hay không, bật đèn cảnh báo khi người điều khiển xe có dấu hiệu buồn ngủ hoặc suy nhược, cũng như giảm tốc độ và di chuyển vào lề đường nếu lái xe cố tình phớt lờ cảnh báo.
Bên cạnh yêu cầu “xác định xem người lái xe có đủ điều kiện để sử dụng phương tiện hay không”, dự luật cũng đề xuất các nhà sản xuất ô tô lắp đặt hệ thống cảnh báo ở hàng ghế sau để thông báo cho phụ huynh nếu trẻ em bị bỏ quên trên ô tô. Kể từ năm 1990, khoảng 1.000 trẻ em tại Mỹ đã tử vong vì vấn nạn này.
Quốc hội Mỹ cũng đề nghị NHTSA đưa ra các yêu cầu an toàn nâng cao đối với ô tô.
Các quy tắc mới nhằm giúp tránh tử vong do ngã ở ghế trước và yêu cầu phanh khẩn cấp tự động. Nhiều nhà sản xuất ô tô đã thực hiện những thay đổi đó trong các mẫu xe mới nhất của họ.