📞

Công nghiệp chế biến tăng trưởng mạnh, đưa GDP Quý I/2018 đạt kỷ lục

12:26 | 29/03/2018
Đó là những thông tin ấn tượng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội được Tổng cục Thống kê (TCTK) - Bộ Kế hoạch & Đầu tư công bố tại buổi Họp báo công bố số liệu thông kê Kinh tế - Xã hội quý I/2018, diễn ra sáng nay (29/3), tại Hà Nội

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm 2017, là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây.

Trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,7%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh mẽ. Chuyển đổi cơ cấu khu vực nông, lâm thủy sản tiếp tục phát huy hiệu quả. Xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế tăng cao. Các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng CTTK - Bộ Kế hoạch & Đầu tư trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo. (Ảnh: DL)

Tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng CTTK cho biết, do tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc cùng chính sách điều hành tốt của Chính phủ kiến tạo, hành động, tình hình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam quý I/2018 tiếp tục khởi sắc với những thống kê tích cực. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của năm trước trên hầu hết các ngành như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Theo đánh giá của ông Lâm, GDP quý I/2018 khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ ban hành các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.

Điểm sáng của nền kinh tế - xã hội quý I/2018 là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,56%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,46 điểm phần trăm. Theo đánh giá của TCTK, khu vực này tăng chủ yếu do tác động tích cực của sản xuất các sản phẩm điện tử, linh kiện máy móc.

Về hoạt động dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng quý I/2018 ước tính đạt 1.048 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu chuyển đổi sang đầu tư vào các sản phẩm có giá trị kinh kế cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, nuôi trồng thủy sản khởi sắc, nhất là cá tra và tôm.

Tại họp báo, Tổng cục trưởng TCTK cũng khẳng định, điểm sáng của ngành dịch vụ là sự tăng trưởng của ngành du lịch. Khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2018 ước tính đạt 4.205,4 nghìn lượt người, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam từ châu Á tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước (khách đến từ Trung Quốc tăng 42,9%; Hàn Quốc tăng 69,2%); khách đến từ châu Âu tăng 15,4%; khách đến từ châu Mỹ tăng 11,5%...

Buổi họp báo thu hút sự tham gia của đông đảo phóng viên báo đài và đại diện các ban, ngành. (Ảnh: DL)

Bên cạnh đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2018 ước tính đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14,97 tỷ USD, tăng 18.9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 39,34 tỷ USD, tăng 23,2%. Nếu ngoại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2018 tăng 22,1% so với cùng kỳ 2017, xuất siêu đạt 1,3 tỷ USD.

Về hoạt động của doanh nghiệp, trong quý I/2018, cả nước có 26.785 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 278,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5% so với năm 2017, tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế trong quý I/2018 là 764 nghìn tỷ đồng.

Những động lực của nền kinh tế

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về những động lực của nền kinh tế, đại diện TCTK khẳng định, bên cạnh hiệu quả từ việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ kiến tạo, hành động, GDP quý I/2018 đạt mức 7,38% nhờ vào kết quả tăng của nhiều lĩnh vực. Đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành nông nghiệp, lần đầu tiên sau 13 năm, ngành nông nghiệp tăng trưởng trở lại, đạt trên 4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cũng tăn ấn tượng 13.06%.

Đặc biệt, một trong những động lực lớn nhất của bức tranh tăng trưởng kinh tế - xã hội quý I/2018 chính là sự đóng góp của lĩnh vực du lịch với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng hơn 30%. Thêm vào đó, việc khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng sẽ đóng góp trực tiếp và lan tỏa đến rất nhiều ngành khác trong nền kinh tế như dịch vụ ăn uống, tài chính, văn hóa, y tế...

Bên cạnh đó, mức tiêu dùng của dân cư cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt, tổng mức bán lẻ tăng, tổng cầu của nền kinh tế tăng. Điều tra đời sống dân cư của TCTK cho biết, có 30 tỉnh người dân khẳng định đời sống giảm.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng tốt, xuất siêu 1,3 tỷ USD, tổng mức sử dụng điện trong sản xuất và dân cư tăng 6%, giải ngân vốn đầu tư tốt hơn, lĩnh vực công nghiệp khai khoáng tăng trưởng dương sau nhiều năm (0,4%)... cũng là những động lực khiến bức tranh kinh tế quý I/2018 có nhiều điểm sáng ấn tượng.

Để đạt được mục tiêu GDP 6,7% trong năm nay, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực. (Ảnh: DL)

Tuy nhiên, tại họp báo, đại diện TCTK cũng khẳng định, bên cạnh yếu tố thuận lợi còn có nhiều tồn tại thách thức đối với nền kinh tế như: Tiến độ giải ngân các công trình công cộng chậm; nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như trong chăn nuôi lợn, rau củ quả dư thừa; công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng cuối năm khó duy trì mức tăng; các biện pháp bảo hộ thương mại của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam; nguy cơ tăng lạm phát; thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới chăn nuôi; an toàn giao thông, cháy nổ diễn biến phức tạp...

Trước tình hình đó, để đạt được mục tiêu GDP 6,7% trong năm nay, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả nghị quyết phát triển kinh tế của Chính phủ, tập trung vào các lĩnh vực như: điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, đẩy mạnh thanh tra, chống thất thu, chuyển giá, giám sát chi ngân sách, thực hiện tích cực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình đầu tư công.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bích Lâm cũng khẳng định, cần thực hiện tốt kế hoạch vụ mùa, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, khuyến khích tiêu dùng sản phẩm sản xuất trong nước, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, thương mại, chú trọng nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm...