📞

Công nghiệp ô tô: Để không còn thua trên sân nhà

20:08 | 10/01/2015
Tiềm năng ngành công nghiệp ô tô của ASEAN là rất lớn, nhất là bắt đầu từ năm 2018, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc ở khu vực ASEAN theo lộ trình sẽ chỉ còn 0%. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế này đối với các nước ASEAN là câu chuyện không đơn giản...
Dây chuyền sản xuất ô tô tại công ty TCIE, Việt Nam.

Theo một thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan, năm 2012, ASEAN là thị trường bán lẻ ô tô lớn thứ bảy trên thế giới, với doanh số bán ra trong khu vực là 3,22 triệu chiếc. Tuy nhiên, dự báo đến năm 2020, khu vực này sẽ vươn lên là thị trường bán lẻ lớn thứ năm với sản lượng bán ra 4,38 triệu chiếc.

Thị trường tiềm năng

Hiệp hội ôtô ASEAN (AAF) vừa công bố số liệu cho thấy, doanh số bán xe hơi trong khu vực chín tháng năm 2014 đạt 2.380.683 chiếc. Indonesia với doanh số bán hàng 932.943 xe, chiếm 39,2% tổng doanh thu trong khu vực đã vượt Thái Lan để đứng ở vị trí đầu bảng trong giai đoạn này.

Xét về mức tăng trưởng, Singapore dẫn đầu khu vực với mức 34,2%, tiếp theo là Việt Nam với 30,5% và Philippines, 29,2%. Với một nền kinh tế năng động có sức phát triển cao, tỷ lệ người có ô tô trong số dân 650 triệu người của ASEAN còn thấp (57 xe/1000 dân so với 284 ở Hàn Quốc và 455 ở Nhật), cho thấy tiềm năng phát triển thị trường ô tô ở ASEAN là rất lớn.

Tìm chỗ đứng

Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngành công nghiệp ô tô của ASEAN gần như bị các công ty Nhật chi phối. “Đông Nam Á là thị trường tự nhiên của Nhật”, là tuyên bố của ông Daniel Nacass, Giám đốc đối ngoại của hãng Mitsubishi. Không chỉ bán xe, các tập đoàn ô tô Nhật cũng đã xây dựng các cơ sở sản xuất phụ trợ rất vững chắc bao gồm các nhà sản xuất phụ tùng cấp 1 và cấp 2.

Ý thức được thế yếu trên sân nhà, từ năm 1996, một số nước ASEAN đã vận động thành lập AAF, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô của khu vực, với bốn thành viên ban đầu là Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Sau đó, Việt Nam, Singapore và Brunei cũng đã gia nhập AAF, đưa AAF lên bảy thành viên như hiện nay.

Dựa trên tiềm năng của mình và học tập mô hình của các nước có nền công nghiệp ô tô tiên tiến như Nhật, Đức, Mỹ… các nền công nghiệp ô tô lớn của ASEAN được định hướng phát triển theo những nguyên tắc của công nghiệp hiện đại. Một số nước trong ASEAN đã và đang khẳng định được vị trí trong ngành công nghiệp ô tô. Năm 2011, Indonesia đã đưa ra mục tiêu trở thành trọng điểm của ngành ô tô ở ASEAN. Trong đó, nước này tập trung thu hút đầu tư của các tập đoàn thế giới, duy trì giá lao động thấp, tăng năng lực của công nghiệp hỗ trợ để có thể cạnh tranh về chất lượng sản phẩm và năng suất sản xuất.

Những bước phát triển trên là nỗ lực nhằm khẳng định ngành công nghiệp ô tô ASEAN không còn yếu trên sân nhà.

Việt Nam ở đâu?

Công nghiệp ô tô của nước ta dù còn nhiều tiềm năng nhưng vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngoài chi phí nhân công thấp, Việt Nam đứng sau các nước trên hầu hết các tiêu chuẩn. Điều đáng lo ngại nhất là chất lượng sản phẩm Việt Nam rất thấp: trên 1 triệu linh kiện sản xuất, Việt Nam có tới 200 linh kiện không đáp ứng mức độ chất lượng đòi hỏi, trong khi Philippines là 15, Malaysia 12, Thái Lan và Indonesia khoảng 5.

Ngoài ra, nền công nghiệp ô tô Việt Nam còn đối mặt với một số khó khăn khác. Những quốc gia có thị trường lớn trên một triệu xe/năm như Thái Lan và Indonesia thu hút gần hết đầu tư cho sản xuất và thiết kế của ngành công nghiệp ô tô. Vì vậy, Việt Nam với thị trường nhỏ chỉ thu hút được những cơ sở lắp ráp nhỏ. Khi trở thành một thị trường thống nhất, các đơn vị lắp ráp nhỏ sẽ có nhiều khả năng bị sáp nhập vào các cơ sở lớn.

Thứ nữa, để giảm chi phí logistics và áp dụng tổ chức sản xuất hiệu quả, các công ty hỗ trợ phải tập trung xung quanh các nhà máy lắp ráp. Như trường hợp Thái Lan, công nghiệp ô tô tập trung tại các vùng xung quanh Bangkok. Ở Việt Nam, để sản xuất 100.000 xe, Việt Nam có tới 17 công ty lắp ráp và phân tán trên ba vùng Bắc, Trung và Nam! Bên cạnh đó, nhiều nhà máy lắp ráp nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ lại rất ít, chỉ có 33 công ty công nghiệp hỗ trợ cấp 1 và 181 cấp 2. Những nghịch lý này là nguyên nhân quan trọng cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Sau 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô chỉ còn 0%, cường độ cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, muốn giành được một chỗ đứng xứng đáng trong nền công nghiệp ô tô ASEAN, Việt Nam cần phải thực hiện nhiều thay đổi cơ bản trong ngành. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Đây là chiến lược quan trọng đối với ngành ô tô Việt Nam, nhưng để đạt tới mục tiêu, chắc chắn ngành ô tô sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

NGỌC HÙNG