Hà Lan có lối chơi hấp dẫn nhất tại EURO lần này |
1. “Không có quê hương cho người già”
Năm 2008, Hollywood khiến thế giới rúng động với bộ phim “No country for old man” (Không có quê hương cho người già) và châu Âu cũng “đồng cảm” với tựa đề của bộ phim ấy. Châu Âu đã loại bỏ một cách tàn nhẫn những “ông già đá bóng”. Một thế hệ thiên tài của Pháp, CH Czech, Thụy Điển, Hy Lạp... đã phải nói lời chia tay một cách đớn đau. Sự sụp đổ của Henry, Thuram, Mellberg, Ljungberg, Koller, Galasek, Basinas... làm đảo ngược hoàn toàn những định kiến về EURO, về sức mạnh của bản lĩnh và đẳng cấp, về sức tàn phá của thế hệ trẻ. Những tượng đài của 10 năm về trước đã bị phủ mờ phía sau ánh hào quang của những đội bóng trẻ. Henry, Thuram, Zambrotta... ngơ ngác trước sự quyết rũ đến mê hoặc của Sneijder, Robben. Mellberg, Ljungberg, H.Larsson... bế tắc, rũ rượi và quay cuồng trong cơn lốc đỏ Nga, với độ tuổi trung bình trẻ nhất giải (khoảng 26 tuổi). Koller, Galasek chỉ còn lại hoài niệm quá khứ khi đứng trước thế hệ mới của Bồ Đào Nha. Và bức tranh xám xịt màu thời gian đã trở nên sáng sủa với màu sắc của tương lai.
2.The Fast and the Furious
Cả thế giới bị cuốn vào câu chuyện của những quái xế, của những cuộc đua tốc độ tuyệt đỉnh (fast) và cực kỳ sống động (furious). Khi châu Âu không còn là... “lục địa già” mà trở nên trẻ trung, tốc độ của cuộc chơi cũng tăng lên một cách không tưởng. Klinsmann với tư tưởng bóng đá tấn công nhanh, mạnh, chính xác đã đưa ra “tuyên ngôn” mới cho bóng đá hiện đại: “mỗi cầu thủ chạm bóng tối đa là 1,4 giây”. Và cả châu Âu đã tăng tốc theo Klinsmann. Cùng với “cái chết” của bóng đá Anh truyền thống, vòng đấu bảng chứng kiến sự thắng thế của lối chơi tấn công đầy màu sắc, những pha dàn xếp phản công nhanh đến chóng mặt, và cả sự sống động từ cách triển khai tấn công đến cách đưa bóng vào lưới. Hà Lan đã nhẫn tâm hủy diệt Italia, Pháp bằng những pha phản công nhanh như sóng siêu âm. Bồ Đào Nha cũng quật đổ CH Czech già nua, thế lực một thời bằng những tiếng sét tàn bạo. Nga đè bẹp mọi ý chí, nỗ lực, bản lĩnh và kinh nghiệm của Thụy Điển bằng những pha đan lát đầy nghệ thuật, nhanh như những tia chớp và chỉ kết liễu đối thủ khi cơn lốc ập sát đến khung thành. Tây Ban Nha, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ thăng hoa bằng lối chơi ít chạm, phản công thần tốc...
Tất cả những dấu ấn đậm nét nhất ở vòng bảng đều đến từ lối chơi tấn công nhanh, dựa trên nền tảng kỹ thuật chứ không dựa trên nền thể lực sung mãn như những giải đấu trước. Những đội bóng dùng sức nhiều hơn dùng kỹ thuật, thích thực dụng hơn cống hiến đều nhận ít nhiều thất bại, đó là Đức, Hy Lạp, Italia... Người ta đang chờ cái chết thực sự của sự lạnh lùng, vô cảm...
3.Death Note
Tác phẩm hành động nổi tiếng nhất của điện ảnh Nhật Bản, nhưng chẳng ai biết đến ở châu Âu. EURO 2008 cũng như Death Note, quên lãng những tình huống bóng chết, quên lãng những cú sút phạt trực tiếp từng là vũ khí lợi hại một thời. Sau 24 trận đấu, chỉ có 2 bàn thắng từ những cú đá phạt trực tiếp, một của Ballack và một của De Rossi, 6 bàn thắng từ những quả đá phạt góc. Nhưng những con số nghèo nàn đó rất logic khi EURO đang được trẻ hóa, lãng mạn hóa và tấn công đẹp mắt, tốc độ hơn...
Con số 3:
Từ khi số đội tham dự VCK EURO tăng lên gấp đôi (từ 8 đội thành 16 đội) năm 1996, EURO 2008 là VCK có số trận hòa ít nhất tại vòng bảng với 3 trận (Romania - Pháp: 0-0; Áo - Ba Lan: 1-1; Romania - Italia: 1-1).
Ở 3 kỳ EURO trước (1996, 2000, 2004), có tới 19 trận hòa tại vòng bảng, trong đó có 7 trận năm 1997, 4 trận năm 2000 và 8 trận năm 2004. Điều này cho thấy EURO đang có những bước tiến mạnh mẽ về tư duy chiến thuật. Thay vì cách phòng thủ, đổ bê tông như trước, năm nay lối đá tấn công lên ngôi. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những trận hòa tẻ nhạt giờ còn ít “đất để sống”, thậm chí sẽ khai tử nếu các đội bóng muốn cống hiến một thứ bóng đá đẹp, mãn nhãn cho khán giả.
Tây Ban Nha cống hiến nhiều nhất:
Sau vòng đấu bảng, đã có 57 bàn thắng được ghi. Trung bình mỗi trận đấu, khán giả được chứng kiến 2,375 bàn thắng.
9 là số bàn thắng ghi được ở những phút bù giờ của hiệp 1. Trong khi đó, có đến 7 bàn thắng được ghi trong những phút đá thêm của hiệp 2.
Đội bóng ghi nhiều bàn thắng nhất tại vòng bảng là Hà Lan. Tổng cộng các chân sút Da cam đã có đến 9 lần lập công. Còn Italia là ĐT ghi bàn ít nhất có mặt tại tứ kết với chỉ 3 bàn thắng.
Tuy đối lập về số bàn ghi được ở vòng bảng, nhưng Hà Lan và Italia lại có cùng số lần phát động tấn công (48). Xếp trên họ, ở vị trí số 1 là Tây Ban Nha với 62 lần.
Số lần sút bóng nhiều nhất thuộc về Tây Ban Nha, các cầu thủ xứ đấu bò đã thực hiện 58 cú sút. Thứ nhì là Nga (53). Hà Lan xếp thứ 3 (50).
Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu trong số 8 đội có mặt ở Tứ kết về số lần nhận thẻ vàng. Tổng cộng Gà Tây đã bị trọng tài rút thẻ 10 lần. Tiếp đó là Italia (8) và Croatia (7).
Tây Ban Nha cũng là đội bóng thực hiện nhiều đường chuyền và tỷ lệ thành công cao nhất với 1639 lần (82%). Hà Lan xếp sau với 1554 lần (80%) Đứng thứ 3 là ĐT Đức: 1520 (78%).
Cầu thủ chuyền bóng cho một đồng đội nhiều nhất là Metzelder (Đức) với 32 lần đưa bóng cho Mertesacker.
Các cầu thủ Bồ Đào Nha dẫn đầu về số lần việt vị trong 8 đội còn lại sau vòng bảng với 15 lần. Tiếp đến là Italia (11) và Đức (10). Pavlyuchenko (Nga) là cầu thủ việt vị nhiều nhất (5 lần), hơn cả Postiga (BĐN), Gomez (Đức) và Del Piero (Italia) - đều 4 lần.
Theo Báo Bóng đá