Xem bóng đá, làm uể oải
Sáng thứ hai (9/6), ông Phan Trang, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng An Phát - ICA (E4 - Thanh Xuân Bắc, HN) tốn hơn chục cuộc điện thoại để gọi điện cho các nhân viên nam đến họp giao ban đầu tuần. Cả công ty có 16 nam, thì chỉ vỏn vẹn 5 người đến đúng giờ.
“Vẫn biết đêm qua có trận Đức - Ba Lan diễn ra muộn, bản thân tôi cũng xem nhưng Ban giám đốc sáng nay có chuyện họp gấp, không thì cũng để anh em ngủ thêm một lúc. Gọi rồi nhưng cuộc họp vẫn phải lùi lại hơn một tiếng đồng hồ”, ông Trang ca cẩm.
Một công ty TNHH khác - An Đức (trụ sở tại phố Hào Nam - Đống Đa, HN) cũng gặp phải tình cảnh này. Là công ty chuyên về mua bán, lắp đặt điều hòa nên lực lượng lao động chủ yếu cũng là cánh mày râu. Dù công ty này quy định rất chặt về giờ giấc (nhân viên đến phải quẹt thẻ điện tử kiểm tra - PV), nhưng ngay đầu giờ sáng đã có hai người báo nghỉ ốm. Số còn lại uể oải, đến đúng giờ nhưng trong tình trạng... gà gật. Cũng may, đúng sáng 9/6, bên điện lực lại cắt điện toàn khu phố, nên các chàng tha hồ... làm giấc ngay tại bàn làm việc.
“Kiểu này cũng gay, cấm anh em xem thì không được, điển hình như đêm nay có Hà Lan gặp Ý, một trận cầu thuộc dạng kinh điển như thế liệu có anh nào chịu bỏ? Mà cứ tình trạng này kéo dài suốt cả tháng thì ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty. Nhất là hiện nay đang mùa hè - mùa làm ăn chính của chúng tôi”, Giám đốc công ty Hà Văn Đức nói.
Ngay cả các công ty nước ngoài cũng không tránh khỏi tình trạng này. Chúng tôi gọi điện cho một người bạn làm tại công ty của Pháp trên phố Trần Phú vào lúc 8h30 sáng 9/6 vì biết anh chàng này vốn rất mê đội Đức (vừa đá vào lúc 2h sáng 9/6), lại biết công ty này quy định nhân viên phải có mặt đúng 7h sáng - 12 h trưa và phạt rất nặng nếu đến muộn. Tưởng là anh đã xin nghỉ ở nhà nhưng kết quả là tiếng anh chàng ú ớ: "…Không, tôi đến cơ quan rồi. Chặc, buồn ngủ quá…”.
Vừa làm, vừa xem
Nhiều người Đức tìm đến quán bia Đức để cổ vũ đội nhà (Ảnh: Cao Minh) |
Tuy nhiên, cũng có những ngành nghề thuộc dạng linh hoạt, vừa xem được bóng đá, lại vẫn hoàn thành tốt công việc. Như ở bãi giữ xe phố Quốc Tử Giám (sát Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mỗi đêm có hai nam nhân viên trông giữ khoảng 20 xe ôtô.
Bình thường thì cứ chia thành hai ca, một người trông một người ngủ. Gặp mùa EURO, những nhân viên này rủ nhau mang một cái ti vi đen trắng nhỏ sang vỉa hè đối diện bãi xe, để vừa tiện quan sát cả bãi xe, vừa xem được bóng đá.
Trận cầu thứ nhất diễn ra vào lúc 11h đêm thì chưa ai buồn ngủ, xem hết trận 1 gần như có liền trận 2, mà xem hết trận 2 thì đã gần sáng, nên cả hai người cùng “tình nguyện thức”. Cả hai đều đã có thâm niên trông đêm hàng chục năm nên thức qua đêm đối với họ chỉ là chuyện nhỏ, chỉ cần một gói trà và phích nước sôi là... vô tư cả tháng.
Các nhân viên phục vụ tại các quán cà phê hay quán bia đêm cũng thuộc dạng này. Đây là cơ hội cho các quán kinh doanh thêm mà nếu như có quá 12h đêm cũng dễ ăn nói với lực lượng đi kiểm tra. Quán cà phê Hot Life cạnh chùa Quán Sứ với lợi thế mặt tiền rộng, lại chiếm cả 3 tầng lầu nên từ rất sớm đã quảng cáo sẵn sàng phục vụ tất cả các trận cầu Euro 2008. Tuy nhiên, sáng sớm quán vẫn phục vụ bình thường, nên thành ra gần như mở 24/24 giờ.
Trên con đường Vũ Ngọc Phan thì có quán Legends Beer. Từ lâu, nơi này thường là điểm đến của cả sứ quán và nhân viên đại sứ quán Đức tại Việt Nam mỗi khi có ngày hội bóng đá, bất kể là EURO hay World Cup. Các nam nhân viên thì khỏi nói, ngoài việc phục vụ, họ có thể tranh thủ đứng bất cứ góc nào trong quán để xem bóng đá từ hai chiếc màn hình to tướng. Sáng được nghỉ bù và lương vẫn lĩnh đều.
Theo VNN