Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. |
Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, giao lưu nhân dân ngày càng tấp nập, người Việt Nam ngày càng mở rộng hơn tầm và phạm vi hoạt động của mình. Con người Việt Nam nhỏ bé đã giương cao ngọn cờ đỏ sao vàng ở Nam cực, bước chân của họ đã đặt lên cả nóc nhà thế giới đỉnh núi Everest. Hoạt động kinh doanh, đầu tư của người Việt Nam ra nước ngoài được đẩy mạnh hơn bao giờ hết với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với đó, do nhu cầu ngày càng tăng của thị trường lao động thế giới, chúng ta hiện có gần 500.000 lao động đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kinh tế biển là ngành kinh tế chủ lực của đất nước. Cả nước có hơn 130 nghìn tàu đánh cá, với khoảng 2,5 triệu thuyền viên và ngư dân. Thêm vào đó chúng ta có khoảng hơn 100 nghìn sinh viên du học và 230 nghìn người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài.
Với số lượng đông đảo người Việt Nam đi làm việc, học tập và sinh sống ở nước ngoài, cũng như số lớn ngư dân như vậy, công tác bảo hộ công dân luôn được Bộ Ngoại giao đặt ưu tiên là công tác trọng tâm.
Hơn nữa, năm 2014 là một năm đầy những bất trắc bởi con người, thiên tai, địch họa và dịch bệnh cũng là một nét khó khăn đặc trưng, đòi hỏi công tác bảo hộ công dân phải tập trung sức lực và trí tuệ hơn bao giờ hết.
Bảo vệ ngư dân Việt Nam
Biển Đông năm 2014 trở nên bất ổn hơn bởi những yêu sách phi lý về chủ quyền, cùng với những mưu toan dùng sức mạnh để áp đặt chủ quyền trên thực tế trong vùng nước được giới hạn bởi đường lưỡi bò, chồng lấn lên cả vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông. Những hoạt động phi pháp đó không khỏi ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế biển của đất nước ta, gây khó khăn đặc biệt cho hoạt động của ngư dân nước ta trong vùng đánh cá truyền thống của mình. Chỉ riêng trong giai đoạn từ 2/5 - 16/7, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, các tàu của các lực lượng Trung Quốc đã gây ra 17 vụ xâm phạm tài sản của ngư dân ta, làm thiệt hại 19 tàu, ảnh hưởng tới đời sống làm ăn của 202 ngư dân (chiếm gần 50% tổng số vụ cả năm 2014).
Trong tình hình đó, Bộ Ngoại giao đã tiến hành nhiều biện pháp giao thiệp, đấu tranh ngoại giao để bảo vệ lợi ích chính đáng của ngư dân ta, yêu cầu Trung Quốc có biện pháp xử lý thỏa đáng. Những biện pháp ngoại giao mềm dẻo nhưng kiên quyết, kiên trì và linh hoạt đã được áp dụng nhằm mục tiêu duy nhất phục vụ nhu cầu hoạt động làm ăn chính đáng của ngư dân ta.
Mặt khác, thời tiết Biển Đông năm 2014 cũng diễn biến bất thường, nhiều cơn bão lớn, bất ngờ. Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân, Bộ Ngoại giao thường xuyên nắm chắc tình hình, phối hợp với các nước bạn bè láng giềng đề nghị ứng cứu hoặc cung cấp nơi trú bão. Bộ Ngoại giao đã mười lần có công hàm đề nghị các cơ quan hữu quan của Trung Quốc ứng cứu tổng số 792 ngư dân của ta trên 72 lượt tàu cá gặp bão, được tránh bão an toàn. Ngược lại, các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam cũng hỗ trợ và giúp đỡ nhiều lần tàu nước ngoài gặp nạn. Điển hình là ngày 24/12 vừa qua, tại vùng biển Khánh Hòa, Cảnh sát biển Việt Nam đã cứu hộ thành công tàu Trung Quốc Jihang cùng sáu thuyền viên bị hỏng máy, trôi dạt trong biển động, sóng to.
Do có vùng biển chồng lấn chưa được phân định hoặc vì những lý do khách quan cũng như chủ quan, năm 2014 đã xảy ra 39 vụ/78 tàu/714 ngư dân bị các nước Đông Nam Á bắt giữ khi tàu cá của ngư dân ta vi phạm vùng biển của các nước.
Với những trường hợp này, các cơ quan đại diện ngoại giao trực tiếp tiếp cận ngư dân, trao đổi với các nước nhằm bảo đảm ngư dân ta được đối xử nhân đạo, đề nghị bạn xem xét thả hoặc giảm án. Những trường hợp bị xử lý, các cơ quan đại diện cũng thường xuyên theo dõi, tiếp xúc với bà con để nắm bắt tình hình, tâm tư tình cảm, đồng thời kiên trì thuyết phục các nước bạn thả ngay sau khi xét xử hoặc giảm thời hạn giam giữ, và mức phạt… Trong năm 2014, Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài của Bộ Ngoại giao đã giúp, mua vé cho 390 ngư dân được thả sau khi bị các nước bắt giữ.
Một số nước ven biển vừa qua đã có những chính sách kiên quyết và cứng rắn hơn đối với các vụ vi phạm vùng biển của họ. Bộ Ngoại giao cũng đã kịp thời trao đổi với các nước trên tinh thần xây dựng, hợp tác nhằm bảo đảm lợi ích của ngư dân ta cũng như yêu cầu về lợi ích của các nước bạn trên tinh thần nhân đạo.
Tuy nhiên, nhằm bảo đảm tối đa lợi ích của ngư dân Việt Nam không bị các nước bắt, tịch thu hoặc phá hủy tài sản, Bộ Ngoại giao đã thường xuyên phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thông tin và khuyến cáo ngư dân Việt Nam cần xác định rõ hoạt động ngư nghiệp không vi phạm các vùng biển của các nước. Chính phủ cũng đã có nhiều hỗ trợ để trang bị cho tàu thuyền của ta các thiết bị giúp các tàu thuyền của ngư dân ta không đi lạc vào vùng biển của các nước.
Tích cực sơ tán công dân do chiến tranh
Năm 2014, do xung đột bùng phát tại Libya, Chính phủ đã giao cho Bộ Ngoại giao cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sơ tán an toàn hơn 1.700 công nhân đang làm việc tại Libya về nước. Mặc dù số lượng công nhân Việt Nam ít hơn so với đợt sơ tán năm 2011, tuy nhiên có những khó khăn khác hẳn. Năm 2011 là chiến tranh từ bên ngoài, thời gian và phương tiện sơ tán cũng được chủ động. Khi đó, Chính phủ đã điều máy bay của Vietnam Airlines để chở người Việt Nam về nước, một bộ phận khác được đưa về nước qua đường biển.
Lần sơ tán này bởi nội chiến của Libya. Các đường hàng không bị cắt, đường bộ và đường biển bị phong tỏa. Thậm chí các cửa khẩu biên giới cũng bị đóng cửa. Khi xảy ra chiến sự, hầu hết các công dân ta ở rải rác ở nhiều vùng khác nhau. Tuy nhiên với nỗ lực của Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cùng với Đại sứ quán của ta tại Libya và các nước như Ai Cập, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ… toàn bộ lao động Việt Nam đã được trở về nước an toàn.
Đối với địa bàn Ukraine, Bộ Ngoại giao vẫn theo dõi sát tình hình, chủ động hướng dẫn Đại sứ quán lập kế hoạch sơ tán công dân; Khi xung đột bùng nổ giữa lực lượng bên trong Ukraine, Đại sứ quán chủ động liên hệ, thực hiện cứu trợ nhân đạo, cấp phát giấy tờ bị thất lạc để kịp thời sơ tán công dân ra khỏi vùng chiến sự ở miền đông Ukraine an toàn.
Bảo vệ cộng đồng khỏi dịch bệnh Ebola
Khi xảy ra dịch bệnh lan rộng, Chính phủ đã khẩn cấp yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế phối hợp tìm các biện pháp nhằm bảo vệ tối đa cộng đồng người Việt Nam không bị phơi nhiễm bệnh trong các vùng dịch. Các Đại sứ quán tại các nước cũng đã làm tốt công tác thống kê, nắm chắc tình hình cũng như nơi cư trú của bà con, hướng dẫn bà con phòng tránh và sẵn sàng các phương án sơ tán khi cần thiết.
Giúp đỡ, hỗ trợ công dân trong các vụ việc khác
Trong năm 2014 cũng xảy ra những vụ việc khác như người Việt Nam bị mất tích, bị bạo hành hoặc giết hại, người lao động bị vi phạm hợp đồng... Bộ Ngoại giao đã cùng các Đại sứ quán tại các nước tiếp xúc với người bị nạn, nắm tình hình, yêu cầu các cơ quan chấp pháp của các nước thực thi quyền lực nghiêm minh, bảo đảm lợi ích chính đáng của người Việt Nam, xét xử công tâm những kẻ đã gây ra tội ác….
Điển hình là vụ một cổ động viên Việt Nam bị Hooligan Malaysia tấn công, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã hợp tác chặt chẽ với cảnh sát Malaysia để bảo vệ nạn nhân. Đồng thời, Tòa án Malaysia đã kịp thời xét xử năm kẻ đã gây ra thương tích cho cổ động viên Việt Nam.
Trong năm 2014, các Đại sứ quán đã xử lý, hỗ trợ 328 vụ việc, liên quan đến 2.804 công dân Việt Nam. Công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam được Bộ Ngoại giao tiếp tục thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, giải quyết triệt để, nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ việc, trên khắp các châu lục, bảo đảm quyền và lợi ích của người Việt Nam. Công tác bảo hộ công dân Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phấn đấu là chỗ dựa tin cậy của người dân Việt Nam.
Vũ Hồng Nam Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài