📞

Công tác biên giới, lãnh thổ: “Giữ nước từ sớm, từ xa”...

Lê Hoài Trung 09:00 | 27/01/2020
TGVN. Công tác biên giới, lãnh thổ có đóng góp trực tiếp vào việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định của đất nước, phù hợp với phương châm “giữ nước từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy”.  
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Lê Hoài Trung.

Một năm nhiều thành tựu

Quá trình phân giới cắm mốc (PGCM) trên tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia trong năm 2019 ghi dấu ấn với việc hai bên chính thức ký hai văn kiện pháp lý quan trọng là Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước CHXNCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước CHXNCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia ghi nhận toàn bộ thành quả PGCM biên giới trên đất liền giữa hai nước đã đạt được; đồng thời, hệ thống hóa dữ liệu thông tin địa lý liên quan đến đường biên giới, mốc quốc giới tại những đoạn biên giới đã được hai bên hoàn thành PGCM.

Việc ký hai văn kiện pháp lý nêu trên là một sự kiện trọng đại, minh chứng rõ ràng cho nỗ lực và thiện chí của hai bên trong việc hợp tác giải quyết hòa bình vấn đề biên giới lãnh thổ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là những điều ước quốc tế, song phương mà hai bên đã ký kết, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của nhau, bình đẳng cùng có lợi.

Như vậy, sau hơn 36 năm đàm phán (1983–2019), hai nước đã có khoảng 84% chiều dài đường biên giới được PGCM, được ghi nhận rõ ràng trên hồ sơ pháp lý cũng như trên thực địa, bằng một hệ thống mốc biên giới khang trang, chính quy, hiện đại và bền vững. Thành quả nêu trên sẽ tạo động lực quan trọng để hai bên tiếp tục đàm phán giải quyết nốt 16% khối lượng công tác PGCM còn lại, tiến tới xây dựng hoàn chỉnh đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đúng với phương châm quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước.

Năm 2019 đánh dấu 10 năm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc và cùng thực hiện ba văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Việc hoàn thành công tác PGCM và ký kết ba văn kiện pháp lý (gồm Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc) là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, giữa hai nước đã có một đường biên giới rõ ràng với hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại. Nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ biên giới được triển khai hiệu quả hơn. Về tổng thể, tình hình biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc cơ bản ổn định, đường biên giới và hệ thống mốc quốc giới được giữ vững, an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được đảm bảo. Đường biên giới hòa bình, ổn định tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, giao lưu hữu nghị tại khu vực biên giới, đồng thời cũng giúp triển khai hiệu quả hơn vấn đề đấu tranh phòng chống tội phạm.

Công tác biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam - Lào tiếp tục được duy trì và không ngừng củng cố, đóng góp vào việc giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong khu vực biên giới, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Việt Nam và Lào đã phối hợp hoàn thành thắng lợi việc thực hiện Thỏa thuận cấp Chính phủ về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào trong năm 2019, theo đúng thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra, góp phần quan trọng trong việc ổn định dân cư, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Chung tay duy trì đường biên giới hoà bình

Việc quản lý và phát triển đường biên giới vừa là công việc của mỗi quốc gia, đồng thời đòi hỏi sự phối hợp giữa các quốc gia. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy việc hợp tác với các nước láng giềng trên các mặt để xây dựng và duy trì đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và đóng góp vào sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia.

Trước hết, chúng ta cần cùng với Campuchia, nước duy nhất còn một phần đường biên giới trên đất liền với chúng ta chưa hoàn thành PGCM. Trên cơ sở sở các kinh nghiệm đã thu được trong việc pháp lý hoá 84% công tác PGCM trước đây, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để phấn đấu hoàn thành nốt 16% còn lại của đường biên giới chưa PGCM. Việc PGCM toàn bộ tuyến biên giới với Campuchia có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định rõ ràng trên thực địa đường biên giới giữa hai nước, tạo thuận lợi cho việc quản lý đường biên giới cũng như việc giao lưu, qua lại của cư dân biên giới.

Thứ hai, chúng ta cần cùng các nước láng giềng hoàn thiện, củng cố các khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc quản lý đường biên giới và khu vực biên giới phù hợp với thực tiễn cụ thể giữa Việt Nam và các nước. Với Campuchia, chúng ta mới chỉ hoàn thành 84% khối lượng công tác PGCM và mới ký hai văn kiện pháp lý để ghi nhận thành quả này ngày 5/10/2019. Như vậy, nhiệm vụ về việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến việc quản lý đường biên giới với Campuchia chính là việc đưa hai văn kiện pháp lý này có hiệu lực, tạo cơ sở vững chắc cho việc quản lý biên giới trên thực địa. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ cần cùng với Campuchia đàm phán để ký điều ước quốc tế mới về quy chế biên giới đã ký trước đây, trong đó có việc đàm phán để ký với Campuchia Điều ước về quy chế quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền thay thế Hiệp định quy chế quản lý biên giới 1983 đã trở nên lạc hậu.

Đối với Lào và Trung Quốc, chúng ta đã hoàn thành toàn bộ công tác PGCM, đã ký các Điều ước quốc tế về quy chế biên giới và cửa khẩu. Như vậy, với hai nước này, nhiệm vụ chính là tập trung vào việc thực hiện các văn kiện pháp lý liên quan đến quản lý biên giới, đồng thời, trong quá trình thực hiện, sẽ xem xét việc bổ sung, điều chỉnh các quy định của các văn kiện pháp lý về quản lý biên giới nếu có nảy sinh những vướng mắc, bất cập không phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ ba, để giữ gìn đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới đã được hình thành trong quá trình PGCM, bảo đảm trật tự khu vực biên giới, tạo thuận lợi cho việc hợp tác xuyên biên giới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương biên giới cũng như của mỗi nước, lực lượng chức năng của Việt Nam và các nước láng giềng, trong đó đặc biệt là lực lượng biên phòng, cần phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các công tác trên thực địa. Công việc này bao gồm việc tuần tra, kiểm soát đường biên giới; thực hiện các quy định về quản lý biên giới theo các điều ước quốc tế đã ký kết để thúc đẩy việc giao thương, qua lại biên giới; phối hợp trong việc phòng chống và đấu tranh với các loại tội phạm ở khu vực biên giới như tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất/nhập cảnh và đưa người vượt biên trái phép.

Việc triển khai đồng bộ các công việc nói trên sẽ góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực biên giới, xây dựng đường biên giới giữa Việt Nam và các nước thành đường biên của hòa bình, hữu nghị và hợp tác, phục vụ lợi ích của Việt Nam cũng như các nước láng giềng và lợi ích của nhân dân các nước, nhất là nhân dân ở khu vực biên giới.